Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

Olympic Việt Nam lần đầu tiên lọt vào bán kết ASIAD: Không thầy đố mày làm nên!

Đội tuyển bóng đá Olympic Việt Nam lại làm nên lịch sử sau giải U23 Châu Á khi lần đầu tiên có mặt tại bán kết Asiad 2018 với sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo. Không chỉ là sự kiện làm con tim người hâm mộ vỡ òa, với những người làm giáo dục, đây còn là câu chuyện về vai trò của người thầy.

Bóng đá Việt Nam có thể nói từng không thể "ngóc đầu" nổi ở khu vực vực Đông Nam Á nhưng điều đó đã thay đổi với sự dẫn dắt của người thầy - HLV người Hàn Quốc Park Hang Seo. Đó không chỉ huy chương bạc đầu tên tại giải U23 Châu Á, không chỉ làm nên lịch sử khi vào bán kết Asiad mà quan trọng hơn cả là các cầu thủ phát huy được nội lực của mình, có niềm tin vào khả năng của mình.

Sự thành công của đội tuyển Việt Nam khắc ghi vai trò của người thầy

Mọi so sánh là khấp khiễng nhưng có thể nói, ông Park Hang Seo là một HLV, là một người thầy và cũng là một nhà giáo dục. Ông có những phẩm chất và cách thức giúp học trò phát huy hết sức mạnh mà tất cả mọi người, nhất là mỗi người thần cần suy ngẫm.

Mỗi cầu thủ có một thế mạnh, khả năng riêng, không ai giống ai. Và họ được người thầy "chọn mặt gửi vàng" vào những thời điểm hợp lý nhất, cần thiết nhất trong từng trận đấu chứ không nhất nhất "nương" theo cầu thủ tên tuổi. Chỉ khi như vậy, học trò mới khẳng định được mình... Giáo viên giỏi là người nắm rõ tố chất, khả năng, cá tính của từng học sinh để giúp các em phát huy năng lực cá nhân.

Thế nhưng giáo dục chúng ta đang quy học trò về một mối, một chuẩn. Một học sinh có suy nghĩ, tư duy, làm khác đi có thể xem là "cá biệt"; giáo viên cũng thường xuyên so em này không bằng em kia, em kia giỏi hơn em nọ... trở thành nỗi ám ảnh học đường.

Sự "lột xác" của đội tuyển Việt Nam phải nói đến từ sức mạnh niềm tin. Các cầu thủ được HLV trao niềm tin, trước hết là tin vào chính bản thân mình, tin rằng mình làm được. Tiếp đó là có niềm tin vào đồng đội. Chính điều này, tiếp sức lớn nhất để các cầu thủ thể hiên được hết khả năng của mình, có sức mạnh để đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn nhất...

Còn trên bục giảng, chúng ta có không ít người thầy sẵn sàng phủ nhận, vùi dập ngay khả năng của học trò. Chúng ta sa vào giáo dục trẻ bằng sự dọa dẫm. Có những thầy cô vừa đón các em học sinh lớp 1 đã vội vàng "chê" học sinh viết chữ xấu, chưa biết đọc, rồi hù dọa không theo kịp bạn bè, ở lại lớp.

Một nữ sinh Việt đi du học Úc về kể, điều em vỡ òa sau chỉ hơn một năm đi du học không phải là kiến thức, không phải là ngoại ngữ... mà là niềm tin vào bản thân. Thay vì những trách phạt, chê bai thì trước mỗi thử thách, giáo viên, giáo sư người Úc luôn gật đầu nói rằng các em sẽ làm được tốt hơn nữa, tốt nhất có thể. Sau 12 năm học ở phổ thông, 2 năm học ĐH ở trong nước, giờ cô học trò mới nhận ra... mình giỏi hơn mình tưởng.

Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương bộc bạch: "Cầu thủ muốn giỏi cần gặp đúng huấn luyện viên. Học trò muốn giỏi cần gặp đúng thầy. Hãy tìm những người thầy dạy con cách hiểu mình và tin vào chính mình, chứ không phải tin vào những chiêu trò, xảo thuật".

Học trò rất cần được đánh giá đúng khả năng và trao niềm tin vào bản thân

Sự thành công của HLV Park Hang Seo ở đội tuyển Việt Nam không phải nhờ may mắn. Đó là nỗ lực và sự chăm chỉ của một người thầy. Khi mới đến Việt Nam, những ngày đầu, nhiều đêm liền ông Park đã nghiên cứu băng ghi hình các trận đấu trước, các giải các năm trước. Từ đó, ông đưa ra những đánh giá và lựa chọn cho đội hình.

Khi đến Việt Nam, hạn chế lớn nhất của ông Park chính là ngôn ngữ. Hiển nhiên ông phải có phiên dịch nhưng được biết ông Park còn rất chịu khó học tiếng Anh để hiểu học trò mình, để tương tác với các em. Nói không được, ông phải nghĩ cách, liền tận dụng tối đa... ngôn ngữ của cơ thể.

Tôi đã từng dự Hội thảo mà chủ đề chính là xoay quanh vấn đề vì sao giáo viên chúng ta "lười học". Có ti tỉ lý do được đưa ra như thu nhập thấp, không có thời gian, hồ sơ sổ sách, áp lực... Chẳng ai đề cập lý do không ít người thầy chọn nghề với sự an nhàn, thiếu tâm huyết, trách nhiệm, thiếu chăm chút đầu tư cho chính công việc mình lựa chọn và nuôi dưỡng mình.

Hoàn cảnh, khó khăn là luôn là cản trở, giáo dục cần phải cải thiện nhiều mặt để thầy cô phát huy được năng lực. Nhưng tâm lý đổ lỗi cho hoàn cảnh, né tránh trách nhiệm của mình mới là cản trở lớn nhất cho mọi sự phát triển.

Sau khi thua ở phút chót tại chung kết U23 Châu Á, khi trả lời báo giới, Park Hang Seo nói rằng, ông không thể đỗ lỗi họ bị đánh bại bởi tuyết. Với ông, đó không phải là lý do để giải thích cho thất bại của đội tuyển mà tất cả là do ông. Ông có trách nhiệm cần phải giúp các học trò tập trung hơn trong trận đấu, kể cả khi chỉ còn 1 phút thôi.

Ông nói: "Do tôi, chúng ta thua!".

@Hoài Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỔI BẬT

Những ngôn sứ không biết "đá lưỡi"!

Trong Công giáo, các linh mục được xem là người phát ngôn, truyền đạt thông điệp của Thiên Chúa cho mọi người, hay còn gọi là "ngôn sứ...