Thứ Ba, 6 tháng 4, 2021

NHẬP XỨ: CHUYỆN KHÔNG ĐÙA?!

Quản lý nhân sự là vấn đề có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà còn đối với cả xã hội. Làm tốt công tác quản lý nhân sự sẽ giúp chủ thể quản lý, điều hành khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực con người để phát triển cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của mình.

Ở cấp độ toàn xã hội, việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu chính là một khía cạnh của công tác quản lý nhân sự. Mặc dù còn có những tranh luận về cách thức quản lý nhân khẩu, hộ khẩu thông qua sổ hộ khẩu (bằng giấy) nhưng không ai có thể phủ nhận vai trò của việc làm tốt công tác về nhân khẩu, hộ khẩu đối với Nhà nước và các cơ quan chức năng trong việc quản lý xã hội, xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng.


Ngay chính linh mục Trần Văn Thành, quản xứ Tam Tòa, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, người đã từng lên tiếng chê bai cho rằng “hộ khẩu” là “một thứ khôi hài, vô lý và ngu ngốc


mới đây lại phải lên tiếng trách móc giáo dân không thực hiện việc “nhập xứ” khi chuyển đến giáo xứ mới (việc làm tương tự như việc “nhập khẩu” hay “đăng ký tạm trú, thường trú” khi chuyển đến nơi cư trú mới).


Dù những lý do mà linh mục Trần Văn Thành đưa ra là để “biện minh” cho việc một linh mục quản xứ nào đó từ chối dâng lễ an táng cho một giáo dân chỉ vì gia đình người đó chưa “nhập xứ” (dù với người Công giáo, việc dâng lễ an táng là nghi thức hết sức quan trọng, là “cửa ngõ” để một tín đồ có thể bước chân vào Nước Trời; việc dâng lễ an táng cho tín đồ có thể xem là “nghĩa tận” của một linh mục đối với con chiên của mình nhưng linh mục đó lại không làm).

Nhưng qua đó, cũng có thể thấy việc “nhập xứ” cũng như “nhập khẩu” đều là “chuyện không đùa” cả! Phải không linh mục Trần Văn Thành?!

@Nhân Trần

Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

Linh mục đoàn giáo phận Hà Tĩnh chia rẽ vì Giám mục Nguyễn Thái Hợp?!

 Ngày 19/3/2021 vừa qua, Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Tòa Thánh Vatican tại Singapore kiêm Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam thông báo: Giáo hoàng Phanxicô đã chấp thuận cho Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp từ nhiệm sứ vụ Giám mục Chính tòa Giáo phận Hà Tĩnh; đồng thời bổ nhiệm Giám mục Luy Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh làm Giám quản Tông tòa Giáo phận Hà Tĩnh.



Việc Giám mục Nguyễn Thái Hợp được Tòa Thánh cho nghỉ hưu là phù hợp với quy định của Bộ Giáo luật 1983
Ðiều 401: (1) Khi đã trọn bảy mươi lăm tuổi, Giám Mục giáo phận được yêu cầu đệ đơn từ chức lên Ðức Thánh Cha, và Ðức Thánh Cha sẽ dự liệu sau khi đã cân nhắc tất cả mọi hoàn cảnh.
và cũng không phải là điều gì quá bất ngờ khi năm 2020, cá nhân Giám mục Hợp đã đệ đơn xin Tòa Thánh cho nghỉ hưu.

Linh mục Nguyễn Thanh Tịnh tỏ ra tiếc nuối khi không còn được Giám mục Hợp che chở, dìu dắt

Thế nhưng, trong lúc một số linh mục, giáo dân Giáo phận Hà Tĩnh, nhất là linh mục Nguyễn Thanh Tịnh, nguyên Chánh Văn phòng Tòa Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh, vừa được Giám mục Nguyễn Thái Hợp bổ nhiệm làm quản xứ Hà Lời, tỉnh Quảng Bình trước khi nghỉ hưu tỏ ra ngỡ ngàng, tiếc nuối khi Giám mục Nguyễn Thái Hợp được cho nghỉ hưu.

Linh mục Dương Sỹ Nho “nổi nhạc” chào mừng sự kiện Giám mục Nguyễn Thái Hợp “về vườn”

Thì lại có một số linh mục, giáo dân, tiêu biểu là linh mục Dương Sỹ Nho, nguyên quản xứ Hà Lời nhưng mới bị Giám mục Hợp “đẩy đi” (dù mới về Hà Lời chưa đầy 03 năm) để bố trí “chỗ ngồi” cho linh mục Nguyễn Thanh Tịnh, lại tỏ ra hoan hỉ, vui mừng,

Linh mục Dương Sỹ Nho “châm chọc” linh mục Nguyễn Thanh Tịnh

thậm chí “châm chọc” những linh mục tỏ ra tiếc nuối khi Giám mục Hợp nghỉ hưu.

Điều này cho thấy rõ những bất đồng trong nội bộ linh mục đoàn Giáo phận Hà Tĩnh, một vấn đề đã xuất hiện không chỉ tại Giáo phận Hà Tĩnh hiện nay mà cả Giáo phận Vinh (cũ) trước đây trong những năm dài u tối, đầy rẫy ồn ào, tai tiếng dưới sự cai quản của Giám mục Nguyễn Thái Hợp. Đây có lẽ cũng là vấn đề mà Giám mục Nguyễn Anh Tuấn cần quan tâm giải quyết khi thi hành sứ vụ Giám quản Tông tòa tại Giáo phận Hà Tĩnh sắp tới.

@Lê Dân

Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

Ai đứng sau công trình khu nhà dưỡng lão ở giáo xứ Xuân Hòa?

Giáo xứ Xuân Hòa thuộc giáo hạt Bình Chính, giáo phận Hà Tĩnh nằm tại thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân, hiện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Là địa bàn ven biển nên đời sống của người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào nghề biển. Tuy nhiên, năm 2020, với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và tình hình thời tiết mưa bão thất thường, đời sống kinh tế của giáo dân giáo xứ Xuân Hòa gặp nhiều khó khăn. Do vậy, khi Hội đồng mục vụ giáo xứ Xuân Hòa, Ban điều hành Trưởng các dòng họ thôn Xuân Hòa, Ban Chấp hành Chi hội Người cao tuổi thôn Xuân Hòa làm Tờ trình gửi chính quyền địa phương xin cấp 6.000m2 đất tại thôn Xuân Hòa để làm nhà dưỡng lão thì ai ai cũng lấy làm bất ngờ. Bởi lâu nay, với truyền thống, đạo đức của người Công giáo, những người cao tuổi trong thôn đều được con cháu chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo tại gia đình chứ không có ai bị ruồng rẫy, bỏ rơi. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, cần phải tiết kiệm thì việc đầu tư xây dựng công trình nhà dưỡng lão có thể nói là việc làm tốn kém, chưa cần thiết.



Xuất phát từ những lẽ đó, UBND xã Quảng Xuân đã có văn bản trả lời, không chấp thuận đề nghị xin cấp đất để xây dựng nhà dưỡng lão của Hội đồng mục vụ giáo xứ Xuân Hòa, Ban điều hành Trưởng các dòng họ thôn Xuân Hòa, Ban Chấp hành Chi hội Người cao tuổi thôn Xuân Hòa.

Thế nhưng, từ ngày 16/3/2020, Hội đồng mục vụ giáo xứ Xuân Hòa vẫn sử dụng phương tiện, huy động giáo dân và thuê thợ tiến hành xây dựng 02 ngôi nhà (mỗi ngôi nhà có kích thước 10,5m x 26m) trên khu đất có diện tích hơn 4.000m2 nằm sát khuôn viên nhà thờ giáo xứ về phía Bắc thuộc đất quy hoạch nghĩa địa thôn Xuân Hòa do UBND xã Quảng Xuân quản lý.

Công trình nhà dưỡng lão được xây dựng sát khuôn viên nhà thờ giáo xứ Xuân Hòa

Khi chính quyền địa phương đến kiểm tra, lập biên bản, không có bóng dáng đại diện Ban điều hành Trưởng các dòng họ thôn Xuân Hòa, Ban Chấp hành Chi hội Người cao tuổi thôn Xuân Hòa mà chỉ có linh mục Mai Xuân Ái, quản xứ Xuân Hòa và một số thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ có mặt tại hiện trường. Linh mục Ái cho rằng mình vô can, việc xây dựng công trình nhà dưỡng lão là do Ban điều hành Trưởng các dòng họ thôn Xuân Hòa, Ban Chấp hành Chi hội Người cao tuổi thôn Xuân Hòa đứng ra chỉ đạo.


Đến nay, 02 ngôi nhà dưỡng lão tại thôn Xuân Hòa đã cơ bản hoàn thành. Tưởng rằng công trình sẽ sớm được đưa vào sử dụng, phục vụ việc nuôi dưỡng và chăm sóc những người cao tuổi trong thôn, đúng như những gì linh mục Mai Xuân Ái, Hội đồng mục vụ giáo xứ Xuân Hòa đã nói.

Thế nhưng, ngày 11/02/2021 vừa qua, trong Chương trình “ĐIỂM SỰ KIỆN NỔI BẬT TẠI GIÁO PHẬN HÀ TĨNH NĂM 2020 VÀ TỔNG QUAN VỀ GIÁO PHẬN HÀ TĨNH”, Ban Truyền thông giáo phận Hà Tĩnh lại liệt kê việc xây dựng công trình nhà dưỡng lão tại giáo xứ Xuân Hòa là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của giáo phận trong năm 2020.


Đến lúc này thì tất cả mới vỡ lẽ việc xin đất xây dựng nhà dưỡng lão phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc những người cao tuổi trong thôn chỉ là chiêu trò của linh mục Mai Xuân Ái bày ra nhằm “lừa bịp” chính quyền cũng như giáo dân giáo xứ Xuân Hòa. Thực chất công trình này là để làm nhà hưu dưỡng cho các linh mục tại giáo phận Hà Tĩnh.

Tất nhiên, trong bối cảnh giáo phận còn non trẻ, chưa có nhà hưu, việc Tòa Giám mục giáo phận Hà Tĩnh thông qua linh mục Mai Xuân Ái (Trưởng Ban Quản lý Dự án giáo phận) để triển khai xây dựng công trình nhà hưu là điều nên làm. Nhưng lý do tốt không thể bao biện cho cách làm xấu! Việc chỉ đạo xây dựng công trình nhà hưu dưỡng trái phép trên đất công của linh mục Mai Xuân Ái là việc làm vi phạm pháp luật, làm hoen ố thêm hình ảnh của Giám mục Nguyễn Thái Hợp (chủ chăn giáo phận) và linh mục Mai Xuân Ái, những kẻ chỉ biết “núp bóng dân” mà thôi!

@Lê Dân

Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2021

Danh chưa chính thì sao ngôn có thể thuận!

Ngày 10/01/2021, Văn phòng Tòa Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh có Thông báo số 01/2021/TB-VPTGM về việc lập các hạt, các xứ mới và bổ nhiệm, thuyên chuyển linh mục.



Theo đó, tại tỉnh Quảng Bình, có 02 chuẩn giáo xứ mới được thành lập là Chuẩn Giáo xứ Hòa Đồng, (tên gọi cũ là Xóm Đồng), tách từ Giáo xứ Hòa Ninh, Giáo hạt Hòa Ninh (trị sở đặt tại Nhà thờ Hòa Đồng, xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn) và Chuẩn Giáo xứ Hội Nghĩa, tách từ Giáo xứ Gia Hưng, Giáo hạt Nguồn Son (trị sở đặt ở Nhà thờ Hội Nghĩa, thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch).

Đây là những nơi vì hoàn cảnh đặc biệt nên chưa được thiết lập thành giáo xứ. Việc quyết định thành lập các chuẩn giáo xứ này rõ ràng đã được Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh cân nhắc, tính toán cẩn thận dựa trên điều kiện, hoàn cảnh hiện tại của các giáo họ (mẹ) là giáo họ Xóm Đồng và giáo họ Hội Nghĩa (như: số lượng giáo dân còn ít, chưa đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất...).


Đồng thời với việc thành lập các chuẩn giáo xứ mới, Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh cũng đã có quyết định về việc bổ nhiệm các tân linh mục Phêrô Mai Văn Trung, Giuse Nguyễn Văn Chính làm linh mục quản các chuẩn giáo xứ Hòa Đồng, Hội Nghĩa.

Do Giám mục là vị chủ chăn, cai quản giáo phận, người duy nhất có quyền thành lập, chia tách, sáp nhập các giáo xứ, chuẩn giáo xứ, giáo họ trong giáo phận đã quyết định như vậy nên trong nội bộ giáo hội, các chuẩn giáo xứ Hòa Đồng, Hội Nghĩa chỉ có thể sử dụng danh xưng "chuẩn giáo xứ" chứ không được sử dụng danh xưng "giáo xứ".


Thế nhưng, thực tế, ngay sau khi đến mục vụ tại các chuẩn giáo xứ Hòa Đồng, Hội Nghĩa, các linh mục Mai Văn Trung, Nguyễn Văn Chính lại công khai tổ chức các "Thánh lễ tạ ơn mừng tân giáo xứ" một cách linh đình, hoành tráng, với sự tham dự của khá đông các linh mục, giáo dân trong và ngoài địa phương.



Điều này không khỏi khiến nhiều người thắc mắc, lẽ nào các tân linh mục này dù mới tựu chức đã vội không Vâng lời bề trên, tự ý sử dụng danh xưng "giáo xứ" bất chấp quyết định của Giám mục Giáo phận hay việc ban hành văn bản thông báo về việc thành lập các chuẩn giáo xứ chỉ là việc làm mang tính hình thức, "đánh lừa" công luận còn thực chất bên trong Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh đã cho các giáo họ Hòa Đồng, Hội Nghĩa được thành lập giáo xứ?

Dù câu trả lời nào mới là đúng thì có lẽ cũng cần nhắc lại để Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh và các linh mục Mai Văn Trung, Nguyễn Văn Chính nhớ câu thành ngữ "danh chính ngôn thuận" và rõ ràng khi mà danh chưa chính thì sao ngôn có thể thuận được!

@Nhân Trần

Thứ Tư, 10 tháng 2, 2021

Tìm hiểu về hệ thống tổ chức tôn giáo trực thuộc của giáo hội Công giáo theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016

Mỗi tổ chức tôn giáo đều có một hệ thống tổ chức tôn giáo trực thuộc nhằm tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành; triển khai thực hiện đường hướng hoạt động của tổ chức tôn giáo đến tận cơ sở.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 (do Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua ngày 18/11/2016, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018) quy định “tổ chức tôn giáo trực thuộc là tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo, được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo” (khoản 13 Điều 2). Việc quy định như vậy mang tính khái quát, linh hoạt hơn rất nhiều so với quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 về “tổ chức tôn giáo cơ sở” (“là đơn vị cơ sở của tổ chức tôn giáo bao gồm ban hộ tự hoặc ban quản trị chùa của đạo Phật, giáo xứ của đạo Công giáo, chi hội của đạo Tin lành, họ đạo của đạo Cao đài, ban trị sự xã, phường, thị trấn của Phật giáo Hoà hảo và đơn vị cơ sở của tổ chức tôn giáo khác.”).

Tại Việt Nam, Công giáo và Phật giáo là 02 tôn giáo lớn nhất hiện nay.

Đối với Phật giáo, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần đầu tiên được Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam cả nước soạn, duyệt, nhất trí thông qua và biểu quyết năm 1981; sau đó, thường xuyên được các kỳ Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc sửa đổi và thông qua. Đây là tài liệu được dùng làm cơ sở để xác định hệ thống tổ chức tôn giáo trực thuộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đối với Công giáo, đến nay chưa có một văn bản nào được chính thức ban hành với tên gọi “Hiến chương Giáo hội Công giáo Việt Nam” hay “Điều lệ Giáo hội Công giáo Việt Nam”. Tuy nhiên, với ý nghĩa là văn bản có tính chất pháp luật, quy định các nguyên tắc, thể lệ, quyền lợi và nghĩa vụ trong một đất nước, khu vực, thế giới, hoặc một tổ chức hay tôn giáo thì Bộ Giáo Luật 1983 (được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành vào ngày 25/01/1983 và có hiệu lực vào ngày 27/11/1983) có thể được xem là “Hiến chương Giáo hội Công giáo Việt Nam”, là cơ sở quan trọng để xác định hệ thống tổ chức tôn giáo trực thuộc của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.

Căn cứ các quy định của Bộ Giáo luât 1983, có thể thấy hệ thống tổ chức trực thuộc của Giáo hội Công giáo Việt Nam (theo trình tự từ trên cao xuống thấp) bao gồm các giáo tỉnh (Điều 431), giáo phận (Điều 368, 369), giáo hạt (triệt 2 Điều 374), giáo xứ (triệt 1 Điều 374, triệt 1 Điều 515) và chuẩn giáo xứ (Điều 516). Trong đó, các chuẩn giáo xứ được đồng hóa với giáo xứ, là một loại hình tổ chức tôn giáo trực thuộc được giáo hội Công giáo thiết lập tại những nơi vì hoàn cảnh đặc biệt chưa được thiết lập thành giáo xứ.

Với tư cách như một giáo xứ, rõ ràng việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất các chuẩn giáo xứ cũng phải tuân thủ quy định tại các Điều 27, 28, 29 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, nghĩa là tổ chức tôn giáo (cụ thể là Tòa Giám mục các giáo phận) phải làm thủ tục đề nghị và được cấp có thẩm quyền chấp thuận trước khi thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất các chuẩn giáo xứ. Quan niệm cho rằng các chuẩn giáo xứ không phải là tổ chức tôn giáo trực thuộc của giáo hội Công giáo nên giáo hội không phải đề nghị và được cấp có thẩm quyền chấp thuận trước khi thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất là chưa đúng.

@Lê Dân

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

Chân dung sư thầy Dũng Vova

Lê Văn Dũng hay gọi là Dũng Vova sinh ra trong một gia đình công chức. Dũng từng là sinh viên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào những năm 1987-1992. Sau khi ra trường, Dũng làm kỹ sư Công ty cổ phần kỹ nghệ lạnh Đà Nẵng, ở đường Lê Trọng Tấn, TP Đà Nẵng. 2 năm sau, làm kỹ sư điện Công ty TNHH Tư vấn và quản lý xây dựng…


Lê Văn Dũng bắt đầu tham gia vào các hoạt động chống đối tụ tập, biểu tình gây rối ANTT từ năm 2011. Đối tượng đã lợi dụng các vấn đề phức tạp về chủ quyền biên giới, khiếu kiện đất đai tại một số địa bàn như Dương Nội (Đông Anh); Tiên Lãng (Hải Phòng) và Văn Giang (Hưng Yên); ô nhiễm môi trường (Formosa, chặt hạ cây xanh) hay lợi dụng danh nghĩa tưởng niệm các sự kiện lịch sử; việc bắt giữ, xử lý số đối tượng chống đối để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Lê Văn Dũng luôn giữ vai trò tích cực tham gia hàng chục cuộc biểu tình, tụ tập gây rối an ninh trật tự tại các địa phương.

Ngoài ra, Lê Văn Dũng còn tham gia các hội nhóm chống đối như nhóm “No-U, “Phong trào chấn hưng nước Việt”; tích cực tham gia các “phong trào” do số đối tượng chống đối trong và ngoài nước phát động.

Từ năm 2017, Lê Văn Dũng điều hành “Kênh 4” của “Phong trào chấn hưng nước Việt”. Trong quá trình thực hiện để tránh bị cơ quan chức năng xử lý, đối tượng đã đổi tên “Kênh 4 phong trào chấn hưng nước Việt” thành “Thông tấn xã vỉa hè”, “Chấn hưng tivi”, “CHTV VietNam”…

Trước những sai phạm ngày càng nghiêm trọng của Lê Văn Dũng, ngày 31/12/2020 vừa qua, Cơ quan An ninh Điều tra Công an thành phố Hà Nội triệu tập làm việc. Có lẽ ngày Dũng Vova vào tù bóc lịch không còn xa. Đó có lẽ cũng là nơi phù hợp nhất để Dũng Vova thực hiện lời hứa "xuống tóc đi tu" của mình!

@Lê Dân

Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2021

Linh mục Trương Văn Thực đang khô, nhạt đức tin?!

Đã là con người ai cũng thấy lo âu khi đối diện với cái chết, và cũng không ít lần suy nghĩ về sự chết. Các câu hỏi về sự chết, nhất là sau sự chết, có sự sống vĩnh hằng không? sự sống đó như thế nào?… vẫn là những thắc mắc khôn nguôi của con người. Có nhiều người cho rằng chết là hết nhưng những người theo Kitô giáo không coi cái chết như là một dấu chấm hết, mà đó là một bước đệm cần thiết để được bước vào vĩnh cửu tuyệt đối của Đấng Tạo hóa. Cái kết thúc của cuộc sống đời này không phải là một sự triệt tiêu vĩnh viễn, nhưng là cửa ngõ mở vào đời sống chung cuộc của con cái Thiên Chúa.

Giáo lý Công giáo vẫn luôn luôn xác định tính cách chung cuộc của đời người được khởi sự và quyết định nơi giờ chết: “Chết là kết thúc cuộc lữ hành trần thế, kết thúc thời gian Thiên Chúa gia ân và thương xót để con người sống cuộc đời trần thế theo ý Chúa và quyết định số phận tối hậu của mình. Khi chấm dứt cuộc đời trần thế duy nhất này, chúng ta sẽ không trở lại với những cuộc sống trần thế khác. Con người chỉ chết một lần” (Dt 9,29) (Sách Giáo lý Công giáo 1013). Như vậy, cái chết trở nên một điều kiện bất khả phân ly đối với con người trên đường đi vào sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Con người chỉ có thể bước vào đời sống mới sau khi đã kinh qua cái chết, một cái chết không chỉ là định mệnh, nhưng còn là một sự hoàn tất bí tích cứu độ nơi mỗi người. Sau khi lìa cõi thế này, mỗi người phải ra trước mặt Thiên Chúa để tường trình về những hành vi của mình trong thời gian sống tại trần thế, nhờ đó họ sẽ được tưởng thưởng hay bị luận phạt. Những người làm điều ác phải đi vào chốn cực hình muôn đời muôn kiếp, còn những người công chính sẽ được lên Thiên đàng hưởng phúc trường sinh (Sách Giáo lý Công giáo 1038).

Thế nhưng, mới đây, linh mục Trương Văn Thực, quản xứ Cồn Nâm kiêm xứ Giáp Tam (Quảng Minh, Ba Đồn, Quảng Bình) lại liên tục lên mạng Facebook lên tiếng oán thán, trách móc Thiên Chúa khi có nhiều giáo dân trên địa bàn qua đời.

Điều này khiến không ít người tự hỏi phải chăng quan niệm cho rằng những Kitô hữu khi sống luôn giữ trọn đức tin, làm theo ý Chúa thì khi chết sẽ được lên Thiên đàng; việc chết là điều đáng mừng, “chết là một mối lợi” ( Phil 1, 21) vì đồng nghĩa với việc được Chúa thương gọi về mà giáo hội Công giáo và các linh mục lâu nay vẫn răn dạy giáo dân là sai? Hay đơn giản là linh mục Thực đang khô, nhạt đức tin, quên mất mình là một linh mục, một Kitô hữu?

Câu trả lời có lẽ chỉ linh mục Trương Văn Thực mới biết mà thôi?!

@Lê Dân

NỔI BẬT

Những ngôn sứ không biết "đá lưỡi"!

Trong Công giáo, các linh mục được xem là người phát ngôn, truyền đạt thông điệp của Thiên Chúa cho mọi người, hay còn gọi là "ngôn sứ...