Thứ Tư, 10 tháng 2, 2021

Tìm hiểu về hệ thống tổ chức tôn giáo trực thuộc của giáo hội Công giáo theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016

Mỗi tổ chức tôn giáo đều có một hệ thống tổ chức tôn giáo trực thuộc nhằm tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành; triển khai thực hiện đường hướng hoạt động của tổ chức tôn giáo đến tận cơ sở.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 (do Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua ngày 18/11/2016, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018) quy định “tổ chức tôn giáo trực thuộc là tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo, được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo” (khoản 13 Điều 2). Việc quy định như vậy mang tính khái quát, linh hoạt hơn rất nhiều so với quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 về “tổ chức tôn giáo cơ sở” (“là đơn vị cơ sở của tổ chức tôn giáo bao gồm ban hộ tự hoặc ban quản trị chùa của đạo Phật, giáo xứ của đạo Công giáo, chi hội của đạo Tin lành, họ đạo của đạo Cao đài, ban trị sự xã, phường, thị trấn của Phật giáo Hoà hảo và đơn vị cơ sở của tổ chức tôn giáo khác.”).

Tại Việt Nam, Công giáo và Phật giáo là 02 tôn giáo lớn nhất hiện nay.

Đối với Phật giáo, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần đầu tiên được Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam cả nước soạn, duyệt, nhất trí thông qua và biểu quyết năm 1981; sau đó, thường xuyên được các kỳ Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc sửa đổi và thông qua. Đây là tài liệu được dùng làm cơ sở để xác định hệ thống tổ chức tôn giáo trực thuộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đối với Công giáo, đến nay chưa có một văn bản nào được chính thức ban hành với tên gọi “Hiến chương Giáo hội Công giáo Việt Nam” hay “Điều lệ Giáo hội Công giáo Việt Nam”. Tuy nhiên, với ý nghĩa là văn bản có tính chất pháp luật, quy định các nguyên tắc, thể lệ, quyền lợi và nghĩa vụ trong một đất nước, khu vực, thế giới, hoặc một tổ chức hay tôn giáo thì Bộ Giáo Luật 1983 (được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành vào ngày 25/01/1983 và có hiệu lực vào ngày 27/11/1983) có thể được xem là “Hiến chương Giáo hội Công giáo Việt Nam”, là cơ sở quan trọng để xác định hệ thống tổ chức tôn giáo trực thuộc của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.

Căn cứ các quy định của Bộ Giáo luât 1983, có thể thấy hệ thống tổ chức trực thuộc của Giáo hội Công giáo Việt Nam (theo trình tự từ trên cao xuống thấp) bao gồm các giáo tỉnh (Điều 431), giáo phận (Điều 368, 369), giáo hạt (triệt 2 Điều 374), giáo xứ (triệt 1 Điều 374, triệt 1 Điều 515) và chuẩn giáo xứ (Điều 516). Trong đó, các chuẩn giáo xứ được đồng hóa với giáo xứ, là một loại hình tổ chức tôn giáo trực thuộc được giáo hội Công giáo thiết lập tại những nơi vì hoàn cảnh đặc biệt chưa được thiết lập thành giáo xứ.

Với tư cách như một giáo xứ, rõ ràng việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất các chuẩn giáo xứ cũng phải tuân thủ quy định tại các Điều 27, 28, 29 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, nghĩa là tổ chức tôn giáo (cụ thể là Tòa Giám mục các giáo phận) phải làm thủ tục đề nghị và được cấp có thẩm quyền chấp thuận trước khi thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất các chuẩn giáo xứ. Quan niệm cho rằng các chuẩn giáo xứ không phải là tổ chức tôn giáo trực thuộc của giáo hội Công giáo nên giáo hội không phải đề nghị và được cấp có thẩm quyền chấp thuận trước khi thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất là chưa đúng.

@Lê Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỔI BẬT

Những ngôn sứ không biết "đá lưỡi"!

Trong Công giáo, các linh mục được xem là người phát ngôn, truyền đạt thông điệp của Thiên Chúa cho mọi người, hay còn gọi là "ngôn sứ...