Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Sự tương đồng giữa bóng đá Brasil và Công an Việt Nam

Brasil là quốc gia có nền bóng đá thành công nhất trên thế giới hiện nay với 05 lần chiến thắng tại World Cup. Rất nhiều yếu tố đã góp phần tạo nên nền bóng đá Brasil vĩ đại, từ các cầu thủ xuất chúng đến những huấn luyện viên tài ba và không thể không kể đến những người hâm mộ cuồng nhiệt, những người có thể sốt sắng dạy bảo ông huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia về chiến thuật thi đấu và cách chọn lựa tuyển thủ... với niềm tự tin chắc nịch là ông ta không thể giỏi bằng mình. Đến mức người ta nói vui là mỗi đứa trẻ Brasil vừa lọt lòng mẹ thì câu nói đầu tiên của nó không phải là đòi bú mà đòi... sắp xếp đội hình đội tuyển quốc gia hay đơn giản là "mỗi người dân Brasil đều có thể trở thành huấn luyện viên".

Ronaldo và Rivaldo, 02 ngôi sao góp phần mang lại chức vô địch World Cup 2002 cho Đội tuyển bóng đá quốc gia Brasil
Việt Nam mới chỉ vươn lên ngôi vị nền bóng đá số 1 Đông Nam Á sau những thành công gần đây của các cấp độ đội tuyển dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Park Hang Seo. Tuy nhiên, có một lĩnh vực mà người Việt Nam đã làm rất tốt, thậm chí được xếp vào diện thành công nhất trên thế giới hiện nay đó là lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, điều mà người ta thường nói vui là "Công an Việt Nam giỏi nhất thế giới!".


Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho thành công của lực lượng Công an Việt Nam trong đó không thể không kể đến việc lực lượng Công an đã biết dựa vào nhân dân. Huy động, sử dụng quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm là một biện pháp công tác phổ biến trên toàn thế giới. Nhưng có lẽ không ở quốc gia nào mà biện pháp quần chúng được lực lượng Công an vận dụng, phát huy một cách hiệu quả như ở Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh tinh thần tự giác tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm của quần chúng, rõ ràng không thể phủ nhận nỗ lực phấn đấu, vai trò và kết quả công tác của lực lượng Công an. Từ việc bồi dưỡng, huấn luyện, hướng dẫn quần chúng nhân dân tham gia vào công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở cho đến việc khai thác, sử dụng hiệu quả những tin báo, tố giác của quần chúng để điều tra, khám phá nhanh nhất các vụ án, bắt giữ, xử lý các đối tượng phạm tội..., tất cả đều cho thấy Công an Việt Nam giỏi như thế nào.


Điển hình như trong vụ án giết hại nữ sinh giao gà ở Điện Biên hồi đầu năm nay, mặc dù quần chúng là người tìm ra xác nạn nhân. Nhưng nếu không có nghiệp vụ điều tra của lực lượng Công an thì không ai có thể tìm ra thủ phạm bắt cóc, sát hại nữ sinh này và càng không thể biết được mẹ nạn nhân lại có quan hệ với đối tượng chủ mưu, cầm đầu vụ án.


Hay như trong vụ giết người dấu xác trong thùng bê tông ở Bình Dương mới đây. Mặc dù quần chúng là người phát hiện xác chết, quần chúng cũng là người phát hiện xe, nơi lưu trú của nhóm hung thủ ở khách sạn và báo tin để Công an đến bắt. Nhưng nếu lực lượng Công an không thông báo, cung cấp thông tin về biển số xe của các đối tượng, nếu Công an không sử dụng các chiến thuật, biện pháp hỏi cung một cách linh hoạt, khôn khéo thì làm sao người ta có thể bắt được và buộc nhóm hung thủ cúi đầu nhận tội một cách nhanh chóng.

Nói như vậy để thấy bên cạnh việc ghi nhận, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, dư luận cần có sự tìm hiểu, đánh giá một cách khách quan, chính xác đối với trách nhiệm, công lao của lực lượng Công an, cảnh giác, tỉnh táo trước những thông tin xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi nhọ, hạ thấp vai trò và chia rẽ lực lượng Công an với quần chúng nhân dân!

@Lê Dân

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc liên quan Trạm thu phí BOT gần cầu Vàm Cống

Đầu tư xây dựng các dự án BOT đường bộ là một chủ trương đúng đắn, cần thiết, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tiềm lực tài chính, ngân sách của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, những bất cập, tồn tại trong việc thực hiện phương thức đầu tư này cũng là những vấn đề thường xuyên được các đối tượng quá khích, cực đoan, cơ hội lợi dụng để xuyên tạc, kích động gây rối.

Một số đối tượng cố tình điều khiển phương tiện dừng đỗ,
gây ách tắc khu vực Trạm thu phí Phả Lại (tháng 12/2018)

Mới đây, sau khi cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối liền thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp được thông xe (ngày 19/5/2019), khá nhiều các trang mạng phản động, chống đối đồng loạt đăng tải các bài viết xuyên tạc về việc xây dựng Trạm thu phí ở gần cầu Vàm Cống từ đó tiếp tục xuyên tạc, kích động chống lại chủ trương “xã hội hóa", huy động mọi nguồn lực của xã hội, thu hút các nhà đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Đảng, Nhà nước.

Cầu Vàm Cống nhìn từ trên cao

Thay vì những lý do "cũ rích" ở các dự án khác (như: trạm thu phí đặt sai chỗ, mức thu quá cao, thời gian dự tính thu phí quá dài), từ "Việt tân"


đến "Hội Anh em dân chủ"


rồi "Thanh niên Công giáo",


tất cả đều dùng chung một lý do để kích động phản đối, tiến tới gây rối tại Trạm thu phí ở gần cầu Vàm Cống là kinh phí xây dựng cầu Vàm Cống là do Hàn Quốc CHO KHÔNG nên không cần phải thu phí để thu hồi vốn (?).

Sơ đồ Trạm thu phí gần cầu Vàm Cống

Thực tế, Trạm thu phí ở gần cầu Vàm Cống hiện nay (Trạm T2) là trạm thu phí được xây dựng để thu hồi kinh phí đầu tư dự án BOT xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 nối thành phố Cần Thơ với tỉnh An Giang còn cầu Vàm Cống khi đưa vào sử dụng hoàn toàn miễn phí như các công trình giao thông trọng điểm khác được đầu tư từ ngân sách Nhà nước và hỗ trợ của các nước bạn.

Rõ ràng, đối với các trang mạng phản động, chống đối, dù không đến mức độ phải áp dụng châm ngôn "Không nghe cave kể chuyện, không nghe nghiện trình bày" nhưng người dân cũng cần phải hết sức cảnh giác, chú ý tìm hiểu kỹ những thông tin, tài liệu liên quan các bài viết được số đối tượng cực đoan, chống đối, cơ hội đăng tải, tránh không bị "mắc bẩy" trước những "trò bẩn" tinh vi của chúng.

@Nhân Trần

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2019

Xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải phản động thì là gì?

Dưới cái vỏ là một tổ chức xã hội dân sự hoạt động với tiêu chí “Vì một nước Việt: Dân chủ - Văn minh - Pháp trị” nên dù có khá nhiều thành viên đã bị Tòa án nhân dân các cấp xét xử về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" nhưng "Hội Anh em dân chủ" (HAEDC) chưa bao giờ thừa nhận bản chất phản động, chống đối của mình. Tất cả các thành viên của tổ chức này khi đứng trước vành móng ngựa đều lớn tiếng tuyên bố mình đang "Đấu tranh bảo vệ và thực thi các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế ghi nhận. Vận động xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam”.


Tuy nhiên, giữa lời nói và hành động lại hoàn toàn khác xa nhau! Thực tế quá trình hoạt động của HAEDC và các thành viên của tổ chức này từ khi được thành lập (tháng 4/2013) đến nay luôn thể hiện rõ bản chất phản động, chống đối.


Mới đây nhất, khi mà khắp nơi trong cả nước long trọng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2019) thì trang fanpage của HAEDC lại đăng tải một bài viết có nội dung xuyên tạc, phủ nhận việc Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO công nhận là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới vào năm 1987.

Những lập luận, dẫn chứng mà HAEDC đưa ra hết sức ngô nghê, mơ hồ. Từ việc cho rằng "Hồ Chí Minh không phải là nhà văn hóa vì ông chỉ đến lớp 3 tiểu học" đến việc "mạo nhận cả các bài viết của nhóm Annam Yêu nước (Association des Patriotes annamites)" rồi "gom lại để in thành "Hồ Chí Minh toàn tập""...; việc UNESCO quyết định không thực hiện nghị quyết vinh danh Hồ Chí Minh và chờ đến Đại hội đồng năm 1992 hủy bỏ chính thức nghị quyết này hay việc Bùi Tín (một đối tượng chống Cộng kỳ cựu) khẳng định không có đại diện nào của UNESCO tham dự sự kiện vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh được Việt Nam tổ chức tại trụ sở tổ chức này năm 1990...

Thực tế, hệ thống giáo dục Việt Nam dưới thời Pháp thuộc được chia ba cấp, trong đó, cấp một học trong ba năm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành chương trình Tiểu học vào khoảng tháng 6/1910. Sau đó, do hoàn cảnh lịch sử và hoài bão ra đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có điều kiện theo học các bậc học tiếp theo của chính quyền thực dân - phong kiến. Nhưng với tinh thần học và tự học, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngày càng hoàn thiện, nâng cao trình độ nhận thức của mình, thậm chí Người còn trở thành giảng viên của Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa; nghiên cứu sinh chuyên ngành lịch sử do Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa tổ chức với kết quả học tập cao.

Còn Bộ sách "Hồ Chí Minh toàn tập" được xuất bản lần đầu năm 1980, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qua đời được 11 năm thì không hiểu Người gom các bài viết của nhóm Annam Yêu nước lại để in thành bộ sách này ở đâu? như thế nào?

Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova tại Hà Nội đã trao bản “Nghị quyết năm 1987 của UNESCO” tôn vinh
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Bộ trưởng Bộ VH – TT và DL Hoàng Tuấn Anh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 3/10/2010.

Việc UNESCO ra nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người là sự thật hiển nhiên đã được nhiều chuyên gia nghiên cứu lịch sử trong nước và trên thế giới khẳng định. Văn bản này hiện được lưu trữ công khai trên hệ thống thư viện điện tử của tổ chức này (https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000076995).

Rất nhiều sự kiện kỷ niệm việc UNESCO ban hành nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới đã được tổ chức tại Việt Nam với sự tham dự của đại diện UNESCO và được thông tin rộng rãi trên trang thông tin điện tử của tổ chức này

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự khai mạc Triển lãm tài liệu lưu trữ “Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hoá”
được tổ chức tại trụ sở chính của UNESCO (Paris, Pháp) ngày 31/3/2019

thậm chí năm nay Triển lãm tài liệu lưu trữ “Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hoá” còn được tổ chức tại trụ sở chính của UNESCO (Paris, Pháp).

Việc HAEDC ra sức phủ nhận sự kiện UNESCO ban hành nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thực chất là chiêu trò đã được khá nhiều các tổ chức, đối tượng phản động, chống đối thực hiện hòng "hạ bệ thần tượng" Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng bước xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Với những việc làm trên thì việc đưa HAEDC vào danh sách các tổ chức phản động, khủng bố cũng không oan chút nào.

@Kim

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019

THIÊN CHÚA đâu hẹp hòi!

Tối 16/5/2019, tại khu tượng đài Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội sinh viên Việt Nam và Báo Tuổi trẻ đa phối hợp tổ chức Chương trình nghệ thuật “Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện Hòa bình” số 7 năm 2019 với chủ đề “Đường Trường Sơn - Đường Hòa bình”.


“Đường Trường Sơn - Đường Hòa bình” là chương trình nghệ thuật đặc sắc và cảm động được xây dựng dựa trên ý tưởng về niềm tin bất tử xuyên qua không gian và thời gian của những trái tim yêu quê hương. Thông điệp hòa bình, khát vọng hòa bình luôn là thông điệp xuyên suốt trong hành trình.

Chương trình được tổ chức tại Quảng Bình, nơi có hai nhánh đường Hồ Chí Minh và là “tọa độ lửa” trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19.5.1959 -19.5.2019); kỷ niệm 129 năm Ngày sinh nhật Bác Hồ (19.5.1890 - 19.5.2019); 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ (1969 - 2019) và 69 năm Ngày thành lập Lực lượng Thanh niên Xung phong (15.7.1950 - 15.7.2019). Đây được xem là bản hùng ca tôn vinh và tri ân các anh hùng, liệt sĩ, cựu thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, những người đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, hiến dâng một phần xương máu của mình trên cung đường lửa để non sông được độc lập, thống nhất.


Với ý nghĩa nhân văn đầy cao đẹp, cảm động và việc quy tụ nhiều ca sĩ nổi tiếng như Mỹ Tâm, Đồng Lan, Hồng Nhung, Đoan Trang, Hà Anh Tuấn, Phương Linh, Uyên Linh, Hoàng Quyên, Bùi Anh Tuấn, Đức Phúc, nhóm OPlus, Lân Nhã, Hoàng Dũng, Nguyên Hà... "Đường Trường Sơn - Đường Hòa bình" đã thu hút sự quan tâm chú ý, tham dự của đông đảo quần chúng nhân dân địa phương, nhất là người dân các xã miền Tây của huyện Bố Trạch, trong đó có không ít giáo dân các giáo xứ Hà Lời, Gia Hưng, Yên Giang, Đồng Troóc, Khe Ngang, Chày... thuộc giáo hạt Nguồn Son, Giáo phận Hà Tĩnh.


Trước khi chương trình bắt đầu, điều lo lắng nhất của Ban Tổ chức là "vỡ" sân khấu, trước sự háo hức nhìn thấy rõ của người dân trong vùng mấy ngày qua. Dù 20h chương trình mới chính thức bắt đầu nhưng chưa đầy 19h, gần 2.000 cán bộ, người dân và du khách trong và ngoài nước đã lấp kín các hàng ghế ở khán đài.

Nhiều bạn trẻ không dấu được cảm xúc vui mừng, phấn khởi, tự hào khi được tham dự Chương trình, được gặp mặt, giao lưu và trực tiếp thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, đầy ý nghĩa do chính thần tượng của mình biểu diễn.


Thế nhưng cảm xúc đó lại không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nguyễn Thế Bình (facebooker "Lộc Cầm") - chủng sinh Khóa XIV Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê).


"Where is your Christ Jesus???" (tạm dịch "Thiên Chúa của bạn ở đâu?").

Câu hỏi của Nguyễn Thế Bình (được nhấn mạnh bằng 03 dấu chấm hỏi ở cuối câu) có thể hiểu là lời trách móc của chủng sinh này đối với những giáo dân mà mình quen biết, cho rằng việc tham dự chương trình là không yêu Chúa, là bỏ quên Chúa cũng như việc thể hiện tình cảm yêu mến đối với những thần tượng âm nhạc thay vì với Chúa là điều không nên làm(?).

Thế nhưng ai cũng hiểu THIÊN CHÚA không phải là kẻ hẹp hòi!

Nếu là kẻ hẹp hòi thì Thiên Chúa đã ngăn cấm giáo dân yêu cha mẹ, tổ tiên của mình. Đúng như những gì mà khá nhiều người khi đọc câu Kinh Thánh "Kẻ nào yêu cha mẹ hơn Ta, kẻ đó không xứng với Ta" hiểu sai về Công giáo.

Thực tế Thiên Chúa đã khuyên răn con chiên của mình phải yêu quê hương, đất nước, hiếu kính với ông bà tổ tiên của mình. Và giáo hội Công giáo ngày nay cũng thường xuyên nhắc nhở giáo dân về lời răn đó qua các thánh lễ cầu nguyện cho ông bà tổ tiên hay thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình, cho quốc thái dân an.


Thật may là dù Nguyễn Thế Bình (và không ít giáo sĩ, tu sĩ Công giáo hiện nay) có quên những lời răn đó thì nữ giáo dân được "chất vấn" vẫn nhớ và có câu trả lời hết sức thông minh, đáng yêu.

Khi "My Christ Jesus in my heart" (tạm dịch "Thiên Chúa ở trong tim tôi"). Và Thiên Chúa không phải là kẻ hẹp hòi. Thì giáo dân hoàn toàn có quyền yêu quê hương, đất nước, yêu ông bà tổ tiên, yêu mến những thần tượng âm nhạc và cả yêu "một nửa cuộc đời"... Bình nhé!

@Kim

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2019

Thấy gì qua Thư mời của "Hội Anh em dân chủ"?

Tự nhận là một tổ chức "đang đấu tranh bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế thừa nhận" cũng như "vận động xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam".

Nhưng từ khi được thành lập (tháng 04/2013) đến nay, các hoạt động thực tế của "Hội Anh Em Dân Chủ" (HAEDC) luôn thể hiện rõ mục đích chống phá, tìm cách xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở Việt Nam.

Do vậy, không ngẫu nhiên khi có khá nhiều các thành viên của HAEDC (như: Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Trực, Trương Minh Đức, Trần Thị Xuân…) đã bị các cơ quan chức năng trong nước điều tra, truy tố, xét xử về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Dù Nguyễn Văn Đài, người sáng lập và cũng là Chủ tịch HAEDC hiện tại là một luật sư. Nhưng với việc có khá nhiều thành viên là người có trình độ văn hóa thấp, không ít lần tổ chức này trở thành trò cười cho thiên hạ khi đưa ra những phân tích, đánh giá chính trị mang tính chất thiển cận, thậm chí là "ngu dốt".



Mới đây, trên trang fanpage của mình, HAEDC đăng Thư mời mời các hội viên và những người yêu mến, ủng hộ tổ chức này đến tham dự buổi hội luận với chủ đề "Con đường dân chủ cho Việt Nam" được tổ chức tại London, Vương quốc Anh ngày 26/5/2019.


Nội dung Thư mời này có khá nhiều chi tiết thể hiện rõ nét hơn về cái "tâm" và cái "tầm" của HAEDC, cụ thể như:

+ Với việc thời gian dự kiến tổ chức buổi hội luận và thời gian đề trên Thư mời đều là ngày 26/5/2019, không hiểu có phải Ban Tổ chức của HAEDC dự định đến ngày 26/5 mới gửi thư cho các khách mời hay không?

+ Mặc dù là buổi hội luận có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh cho "dân chủ", "nhân quyền" ở Việt Nam (?) nhưng địa điểm tổ chức không phải một hội trường, phòng họp nào mà lại là một nhà hàng (Quê Mẹ Restaurant).

+ Và điều đặc biệt là do "số lượng vé có hạn" nên Ban Tổ chức đề nghị những người muốn tham dự buổi hội luận nhanh tay đăng ký sớm.

Với những gì được thể hiện qua thư mời nói trên, rõ ràng HAEDC không khác gì một ban nhạc hay nhóm hài kịch đang ra sức quảng cáo, mời gọi khán giả mua vé xem show diễn của mình. Còn hơn 10 ngày nữa show diễn này mới diễn ra, các bạn hãy cùng chờ đợi để được "cười thả ga" với những màn "chém gió hiếm có khó tìm" của Nguyễn Văn Đài và những người bạn!

@Lê Dân

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2019

Từ chuyện Hoa Kỳ - Hàn Quốc nghĩ về Việt Nam Cộng Hòa

Từ chuyện Hoa Kỳ - Hàn Quốc...

Hôm 08/5/2019, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA đưa tin về việc Tổng thổng Donald Trump đưa ra phát biểu than phiền về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với một quốc gia đồng minh tại một cuộc vận động tranh cử ở Florida.
Tôi không nêu tên quốc gia đó, nhưng có một quốc gia mà chúng ta phải tiêu tốn rất nhiều tiền để bảo vệ - ở một nơi rất nguy hiểm – chúng ta mất đến 5 tỷ đô la,”
Mặc dù ông Trump không nêu đích danh quốc gia nào nhưng các con số mà ông đưa ra phù hợp với những lời than phiền trước đây của ông về Seoul và các nhà phân tích nói rằng gần như chắc chắn ông Trump muốn nói đến ai.
Chúng ta mất 4,5 tỷ đô la để bảo vệ một quốc gia giàu nứt đố đổ vách và có lẽ không thích chúng ta cho lắm.
Trước đó, hồi tháng 02/2019, ngay sau khi chính phủ Hàn Quốc đồng ý đóng góp 924 triệu USD năm 2019 để trang trải các chi phí duy trì sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Hàn Quốc. Tại một cuộc họp chính phủ về chi phí cho khoảng 28.500 binh sĩ đóng tại Hàn Quốc, ông chủ Nhà Trắng cũng đã phát biểu cho rằng “khoản tiền này phải tăng lên”.

Binh sĩ Hoa Kỳ tại Hàn Quốc

Mặc dù phát ngôn của Tổng thống Donald Trump có thể làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán chia sẻ chi phí khó khăn giữa Washinton và Seoul nhưng nó lại thể hiện rõ tính nhất quán của ông Trump trong việc thực hiện chính sách đặt các lợi ích của Hoa Kỳ lên trên hết trong mối quan hệ với thế giới.


Nghĩ về Việt Nam Cộng Hòa

Hàn Quốc rõ ràng không phải là quốc gia đồng minh duy nhất đã hoặc đang có sự hiện diện đóng quân của binh sĩ Hoa Kỳ, trong đó có thể kể đến Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Trong giai đoạn đỉnh điểm của chiến lược "Chiến tranh cục bộ", số lượng binh sĩ được Hoa Kỳ đưa vào Việt Nam nhằm hỗ trợ cho Quân đội Việt Nam Cộng Hòa tham gia vào việc Tìm - Diệt lực lượng quân giải phóng ở miền Nam Việt Nam lên tới gần 550.000 người.

Một binh sĩ Hoa Kỳ tham chiến ở miền Nam Việt Nam năm 1965

Nếu chế độ Việt Nam Cộng Hòa còn tồn tại đến ngày nay và số lượng binh sĩ Hoa Kỳ đóng quân ở miền Nam Việt Nam không thay đổi thì số tiền mà họ phải đóng góp để trang trải các chi phí duy trì sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ không thể nào dưới 18 tỷ USD/năm. Thật may là chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã sụp đổ và ước mơ về việc phục hồi chế độ này của những kẻ cuồng si chỉ là vọng tưởng chứ với số tiền khổng lồ đó thì không hiểu giới chức lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa sẽ trả lời chất vấn của những nhà "dân chủ", "nhân quyền" trong nước như thế nào?

@Kim

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2019

Kêu gọi Facebook không khuất phục biện pháp kiểm duyệt tại Việt Nam - Việc làm "ngược đời" của "Việt tân"

Hôm 03/5/2019, "Việt tân" và 09 tổ chức chống Cộng hải ngoại khác (gồm: Access Now, Article 19, Destination Justice, Electronic Frontier Foundation, Equality Labs, Horizontal, Phóng viên Không Biên giới, SEAPA, Witness) đã cùng ký tên vào một bức thư ngỏ gửi cho Facebook.


Nội dung bức thư kêu gọi Facebook tuân thủ cam kết thực thi các nguyên tắc về quyền tự do biểu đạt và quyền riêng tư thông qua việc không khuất phục các biện pháp kiểm duyệt tại Việt Nam theo Luật An ninh mạng mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2019; cho rằng việc Chính phủ Hà Nội yêu cầu các công ty nước ngoài (trong đó có Facebook, Google) phải lập máy chủ lưu trữ cơ sở dữ liệu tại địa phương, kiểm duyệt nội dung và cung cấp dữ liệu cá nhân người sử dụng là việc làm xâm phạm nhân quyền.

Tuy nhiên, cần biết rằng bất cứ quyền tự do cá nhân nào đều có giới hạn của nó và việc giới hạn các quyền tự do của mỗi cá nhân không chỉ là những quy định bất thành văn trong văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc mà còn được luật hóa.

Từ năm 2017, Liên minh châu Âu (EU) đã cân nhắc ban hành luật khuyến khích các nước thành viên có phản ứng đồng thuận hơn trước tình trạng phát tán các thông tin bịa đặt, sai sự thật, thiên lệch về chính trị thông qua Facebook. Tại Đức, một trong những quốc gia văn minh, dân chủ nhất trên thế giới, Bộ Tư pháp đã trình ban hành một đạo luật buộc các mạng xã hội phải có trách nhiệm xóa và chặn nội dung vi phạm quy định của Đức về cấm các thông tin phỉ báng, vu khống, kích động tội phạm, gây hận thù.

Sau Việt Nam, Australia cũng đã tiến hành những bước đi đầu tiên trong việc ban hành Luật An ninh mạng nhằm cho phép cơ quan chức năng nước này có thể buộc các nhà cung cấp dịch vụ mạng nội địa và quốc tế, bao gồm các tập đoàn nước ngoài như Facebook và WhatsApp, gỡ bỏ các biện pháp bảo vệ điện tử và giúp các cơ quan này tiếp cận thông tin liên lạc được mã hóa của các đối tượng tình nghi là khủng bố và tội phạm.

Tại Singapore, hôm 01/4/2019, Chính phủ nước này đã đệ trình lên Quốc hội dự luật chống tin giả cho phép chính quyền gỡ bỏ các bài viết vi phạm các quy định nhà nước sở tại. Theo dự luật, những cá nhân đăng tin giả trên các nền tảng xã hội “với dụng ý xấu”, gây bất ổn xã hội sẽ đối mặt với các biện pháp xử phạt hình sự bao gồm phạt tiền lên đến 50.000 đô la Singapore và phạt tù lên đến mức 5 năm hoặc cả hai. Nếu đối tượng phạm tội là tổ chức, mức phạt tiền có thể lên đến 500.000 đô la Singapore.

Như vậy, không phủ nhận Facebook là nguồn tìm kiếm thông tin trên thế giới, chia sẽ cũng như bày tỏ quan điểm của những người sử dụng về những vấn đề mà họ quan tâm. Nhưng việc kiểm duyệt Facebook đang là yêu cầu tất yếu đặt ra trước những tác động tiêu cực mà mạng xã hội này tạo ra đối với mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.

Việc kêu gọi Facebook không khuất phục biện pháp kiểm duyệt tại Việt Nam của "Việt tân" rõ ràng là một việc làm "ngược đời". Mục đích của việc làm này không gì khác là nhằm giữ cái "cần câu cơm" hay chính xác là phương tiện, thủ đoạn hoạt động của tổ chức này phản động, khủng bố này trong việc thực hiện mưu đồ chống đối Nhà nước, gây bất ổn xã hội Việt Nam.

@Nhân Trần

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Nếu nhà thờ giáo xứ TAM TÒA cháy...

Đối với mỗi tín đồ Công giáo, nhà thờ luôn là nơi gắn bó với toàn bộ cuộc đời của họ, từ khi còn sơ sinh (được làm Phép Rửa) cho đến khi qua đời (được tổ chức Lễ an táng). Bởi vậy, khi một nhà thờ bị hư hại, dù đó là ngôi nhà thờ to lớn, hoành tráng hay nhỏ hẹp, đơn sơ, cổ xưa hay còn mới thì quần chúng tín đồ Công giáo đều không khỏi cảm thấy đau xót, tiếc nuối.

Điển hình gần đây nhất là vụ cháy kinh hoàng tại Nhà thờ Đức Bà - "Trái tim của Paris" khiến nhiều người tiếc nuối và đau lòng với công trình kiến trúc hơn 850 năm đã chứng kiến biến cố lịch sử của nước Pháp và cả châu Âu.

Nhà thờ Đức Bà Paris bị hư hại nghiêm trọng sau vụ cháy ngày 15/4/2019

Hay vụ nhà thờ giáo xứ Thọ Vực (xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) bị ngọn lửa thiêu rụi ngày 21/3/2019 khiến giáo dân không chỉ trong giáo xứ mà cả Giáo phận Hà Tĩnh phải rơi nước mắt.

Nhà thờ giáo xứ Thọ Vực bị lửa thiêu rụi

Sau vụ cháy ngày 15/4/2019, chỉ trong một thời gian ngắn, các mạnh thường quân trên khắp thế giới đã hứa ủng hộ hơn 1 tỷ euro (1,12 tỷ USD) để phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris.

Tòa Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh cũng đã nhanh chóng đăng Thư ngỏ kêu gọi giáo sĩ, giáo dân và các nhà hảo tâm xa gần ủng hộ, giúp đỡ giáo xứ Thọ Vực tu sửa lại ngôi thánh đường cho giáo dân có nơi làm việc thờ phượng Chúa.


Khi về thăm giáo xứ Thọ Vực ngày 22/3/2019, Đức Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh Phaolô Nguyễn Thái Hợp cũng đã động viên linh mục quản xứ và giáo dân nơi đây tín thác vào thánh ý của Thiên Chúa, khẳng định “Giáo Hội như là gia đình của Thiên Chúa, Giáo Hội luôn mở rộng vòng tay, yêu thương và phục vụ con cái mình giữa những khó khăn”.

Lời nhắn nhủ của Đức Giám mục Phaolô phần nào đã tiếp thêm niềm tin cho linh mục, giáo dân giáo xứ Thọ Vực sớm vượt qua nỗi đau mất mát. Nhưng vô hình chung lại khiến một số linh mục khác trong Giáo phận Hà Tĩnh cũng đang gặp khó khăn trong việc xây dựng nhà Chúa cảm thấy tủi thân.


Mới đây, trên trang facebook cá nhân của mình, linh mục Trần Văn Thành, quản xứ Tam Tòa (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đã chua chát buông lời trách móc việc nhiều người khóc thương cho Nhà thờ Đức Bà Paris cũng như lên án việc Giáo phận Bùi Chu chuẩn bị đập bỏ ngôi nhà thờ chính tòa bị xuống cấp sau 134 năm sử dụng nhưng không ai thương khóc cho ngôi nhà thờ giáo xứ Tam Tòa đang xây dựng dở dang mà hết tiền. Thậm chí, vị linh mục này còn nghĩ đến chuyện tìm cách đốt cháy nhà thờ giáo xứ Tam Tòa nhằm thu hút sự quan tâm chú ý cũng như ủng hộ tài chính của cộng đồng để có tiền hoàn thành việc xây dựng công trình.

Dù công trình nhà thờ giáo xứ Tam Tòa hiện tại được xây dựng bằng đá thì sự cố cháy nổ không hằn không thể xảy ra tại ngôi nhà thờ này, ít nhất là với hệ thống thiết bị điện và những vật dụng bằng gỗ như ghế, cửa...

Bởi vậy, nếu một ngày nào đó mà nhà thờ giáo xứ Tam Tòa bị cháy thì đó hẳn phải là "khẩu nghiệp" do chính vị linh mục quản giáo xứ này gây ra. Khi đó giáo dân có thể khóc sướt mướt nhưng linh mục Trần Văn Thành hẳn phải vui cười, sung sướng hết cỡ và các mạnh thường quân thì...

@Lê Dân

NỔI BẬT

Những ngôn sứ không biết "đá lưỡi"!

Trong Công giáo, các linh mục được xem là người phát ngôn, truyền đạt thông điệp của Thiên Chúa cho mọi người, hay còn gọi là "ngôn sứ...