Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

Cần hiểu rõ quy định về việc chi trả tiền hỗ trợ xuất khẩu lao động cho người bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển miền Trung

Sự cố môi trường biển miền Trung đã trôi qua gần 04 năm. Với sự nỗ lực hết mình của các cấp, các ngành trong việc chi trả tiền đền bù thiệt hại do sự cố gây ra đồng thời triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, người dân các địa phương bị ảnh hưởng bởi sự cố đã dần ổn định đời sống và khôi phục, phát triển kinh tế.

Đào tạo nghề xuất khẩu lao động cho người bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển

Tuy nhiên gần đây, liên quan việc chi trả tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đối với người đi xuất khẩu lao động, người dân một số địa phương ở Quảng Bình do chưa hiểu rõ các quy định nên còn thắc mắc một số vấn đề như: Vì sao mức hỗ trợ thấp trong khi quy định thì tối đa có thể lên đến 10 triệu đồng/ trường hợp? Vì sao đi cùng thời điểm mà người nhận 1.700.000đ, người nhận 2.250.000đ…? Tại sao đi cùng một nước, cùng thời điểm, cùng hồ sơ mà người ít, người nhiều?

Chi trả tiền hỗ trợ xuất khẩu lao động cho người dân

Sau khi có thông tin từ người dân, chúng tôi đã tìm hiểu từ các cơ quan chức năng và các văn bản pháp lý liên quan để tìm câu trả lời. Cụ thể:


1. Vì sao mức hỗ trợ thấp trong khi quy định thì tối đa có thể lên đến 10 triệu đồng/trường hợp?

Theo quy định, nếu người lao động có đầy đủ các giấy tờ (Bản sao chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết kèm theo có đầy đủ các hóa đơn hoặc biên lai thu tiền hoặc phiếu thu đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực và lý lịch tư pháp) thì mức hỗ trợ tối đa có thể trên 10 triệu, vì mức hỗ trợ cao là do định mức hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ.

Trường hợp người lao động không có các hồ sơ theo quy định như kể trên thì theo quy định tại Công văn số 3060/LĐTBXH – QLLĐNN ngày 29/7/2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ được hỗ trợ theo định mức một số tiền là các khoản: Khám sức khỏe ( 500.000 đ/người), Hộ chiếu (200.000đ/người), Lý lịch tư pháp: (200.000đ/người), Thị thực – vi sa (mức thông thường theo công bố của nước tiếp nhậ lao động tại thời điểm cấp thị thực).

2. Vì sao đi cùng thời điểm mà người nhận 1.700.000đ, người nhận 2.250.000đ…?

Theo quy định, nếu người lao động không có đầy đủ các giấy tờ (Bản sao chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết kèm theo có đầy đủ các Hóa đơn hoặc Biên lai thu tiền hoặc Phiếu thu đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực và lý lịch tư pháp) chỉ được hỗ trợ theo định mức một số tiền là các khoản: Khám sức khỏe (500.000đ/người), Hộ chiếu (200.000đ/người), Lý lịch tư pháp: (200.000đ/người), Thị thực – vi sa (mức thông thường theo công bố của nước tiếp nhận lao động tại thời điểm cấp thị thực).

Tuy nhiên, quy định về hỗ trợ Visa mỗi nước và mỗi thời điểm khác nhau. Ví dụ: Theo quy định tại công văn số 1068/CQQLLĐNN – KHTC ngày 29/7/2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện hỗ trợ người lao động đi làm việc tại nước ngoài thì mức phí Visa đi Nhật là 630.000đ; đi Hàn Quốc là 50 USD (đối với CT ESP (E9) hoặc làm việc trên tàu trọng tải trên 20 tấn (E10) hoặc lao động kỹ thuật cao (E7) hoặc 30 USD (C4) áp dụng cho lao động theo thời vụ); đi Đài Loan là 66 USD (nhưng tùy từng hợp đồng, có trường hợp trong hợp đồng ghi là chi phí Visa 1.386.000đ, nhưng có trường hợp ghi là 1.518.000đ – hợp đồng ghi như thế nào thì thanh toán như thế, miễn là không quá định mức 1.518.000đ). 

Cho nên, mức hỗ trợ cao, thấp là tùy vào định mức Visa của mỗi nước bên cạnh các khoản định mức (Khám sức khỏe: 500.000đ/người; Hộ chiếu: 200.000đ/người; Lý lịch tư pháp: 200.000đ/người).

3. Tại sao đi cùng một nước, cùng thời điểm, cùng hồ sơ mà người ít, người nhiều?

Theo quy định tại Công văn số 956/SLĐTBXH – CSLĐ ngày 18/7/2018 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình về việc hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo theo hợp đồng thì: Mức hỗ trợ đối với người lao động bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển (MTB) thuộc các diện hộ nghèo (HN), hộ cận nghèo (HCN), thân nhân người có công (NCC) khác với người lao động không thuộc các diện trên.

Ví dụ: 

+ Nếu người lao động bị sự cố MTB mà thuộc HN, HCN, NCC thì mức hỗ trợ học tiếng Nhật Là 5.900.000đ/người, học nghề có thể lên đến 6.000.000đ/người… trong khi người không thuộc diện HN, HCN, NCC thì được hỗ trợ học ngoại ngữ không quá 3.000.000đ/người, học nghề không quá 2.500.000đ/người.

+ Đối với lao động bị sự cố MTB mà thuộc diện HN, HCN, NCC thì mức hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí mức 40.000đ/người/ngày thực học, tiền ở với mức 300.000đ/người/tháng, thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tham gia khóa đào tạo nhưng không quá 12 tháng; Tiền trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu cho người lao động mức 400.000đ/người còn nếu là người không thuộc diện HN, HCN, NCC thì chỉ được hỗ trợ tiền ăn 40.000đ/ngày thực học. Trong khi mức hỗ trợ tiền ăn, tiền ở phải căn cứ vào chứng chỉ học nghề, học ngoại ngữ…

Cho nên, mức hỗ trợ cao, thấp tùy thuộc người lao động có thuộc diện HN, HCN, NCC hay không.

Như vậy có thể khẳng định việc chi trả tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp dưới hình thức xuất khẩu lao động cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển đã được chính quyền các địa phương thực hiện một cách nghiêm túc trên cơ sở các quy định, hướng dẫn của các cấp, các ngành.

Một số đối tượng xấu lợi dụng việc người dân chưa hiểu rõ các quy định về việc
chi trả tiền hỗ trợ
xuất khẩu lao động để kích động gây rối

Hy vọng với những thông tin được cung cấp qua bài viết, người dân hiểu rõ được vấn đề, đồng thuận, cảnh giác không bị các đối tượng xấu kích động tham gia các hoạt động khiếu nại đông người, vượt cấp, gây mất ANTT tại địa phương.

@Trần Phong

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

Sự quay lưng của nước Mỹ và mộng ảo tan vỡ

Covid-19 xuất hiện lần đầu tại Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 12-2019, ngay sau đó chúng lan tràn ra khắp thế giới. Cho tới nay Covid-19 xuất hiện ở 188 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 307.000 người nhiễm, trong đó hơn 13.000 người tử vong và hơn 95.000 người bình phục. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố đây là đại dịch toàn cầu và kêu gọi các nước tăng cường biện pháp ứng phó.


Nước Mỹ dưới các thời tổng thống trước đây luôn dẫn đầu một cách nhiệt tình và hào phóng trợ giúp thế giới trong các đại dịch, họ đã bỏ hàng trăm tỷ USD để giúp thế giới trong các đại dịch, nhưng tới Covid-19, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã mất đi sự hào hiệp trước đây.

Tổng thống Donald Trump luôn khẳng định
"Nước Mỹ là một quốc gia dưới sự cai trị của Thiên Chúa"

Trong giai đoạn đầu của Covid-19, Mỹ cung cấp viện trợ cho Trung Quốc cùng một số quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng. Nhưng nhìn chung, Washington đã "quay lưng", thậm chí với cả những đồng minh thân cận nhất để tự bảo vệ mình, theo bình luận viên Steven Erlanger của NY Times.

Hôm 11-3, Tổng thống Trump ban lệnh cấm nhập cảnh từ 26 nước châu Âu đến Mỹ, sau đó mở rộng thêm cả Anh và Ireland, nhưng không trao đổi hay thông báo trước cho họ.

Mỹ là chủ tịch nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) năm nay, nhưng người đề xuất hội nghị thượng đỉnh về Covid-19 thông qua video là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tổng thống Trump đồng ý, nhưng người chịu trách nhiệm tổ chức vẫn là ông Macron.


Châu Âu nói chung và người Đức nói riêng còn vô cùng tức giận sau khi giới chức Đức cáo buộc Tổng thống Trump đề nghị trả một tỷ USD cho tập đoàn dược phẩm Cure-Vac của nước này, nhằm đảm bảo nghiên cứu vaccine phòng chống Covid-19 của họ "chỉ dành cho Mỹ". "Nước Đức không phải để bán", Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier tuyên bố.

Nhà Trắng đã phủ nhận các cáo buộc và Cure-Vac cũng từ chối bình luận về những đồn đoán liên quan đến họ. Tuy nhiên, bà Claudia Major, nhà phân tích tại Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế ở Berlin, cho rằng "mọi người đều nghĩ Tổng thống Trump có khả năng làm như vậy" bất kể sự thật ra sao. "Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương bây giờ là thế", bà nói thêm.

Còn nhớ, với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", trước đó Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nghi ngờ vai trò của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời thể hiện sự khó chịu với những tổ chức đa phương mà Mỹ đã xây dựng và lãnh đạo từ sau Thế chiến II.

Ông Peter Westmacott, cựu đại sứ Anh tại Mỹ, cho rằng màn thể hiện của Tổng thống Trump gần như trùng khớp với những quan điểm vốn có của mọi người về ông: "Đó là cách cư xử chỉ vì bản thân, đồng thời không chịu nhận trách nhiệm cho những sai lầm ban đầu". Đồng thời nói thêm, tin đồn Tổng thống Trump cố mua độc quyền vaccine từ Đức càng tô đậm khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", thay vì hình ảnh cường quốc hào hiệp như trước đây.

"Tôi ước gì sự phối hợp mang tính xây dựng xuất hiện nhiều hơn, thay vì những phát ngôn công kích và hoa mỹ của Trump. Họ phủ nhận các vấn đề, trong khi một quốc gia như Đức lại tuyên bố cung cấp vaccine cho tất cả nếu thành công", cựu nghị sĩ Nghị viện châu Âu Marietje Schaake nói.

Dù lý giải dưới góc độ nào thì sự quay lưng của nước Mỹ với thế giới giữa cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra để lại ấn tượng rằng họ dường như không muốn hoặc không thể lãnh đạo.

Đồng thời khiến những ảo mộng về một nước Mỹ “luôn là vùng đất của những giấc mơ bởi vì Mỹ là một quốc gia của những người có đức tin thật” như lời Tổng thống Trump từng nói sớm tan vỡ!

@Việt Hùng

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2020

NÓNG: Trang fanpage "Thanh niên Công giáo" loan tin sai sự thật về tượng thánh chảy máu giữa mùa đại dịch COVID-19

Tối ngày 13/3/2020, trong lúc người dân tỉnh Quảng Bình đang hồi hộp, lo lắng theo dõi việc Sở Y tế tỉnh này vào cuộc xử lý vụ đoàn 8 du khách người Anh bay chuyến VN0054 hạ cánh xuống Nội Bài ngày 09/3 có tiếp viên nhiễm Covid-19 - ca thứ 46; sau đó di chuyển vào Quảng Bình.


Thì trên trang fanpage "Thanh niên Công giáo" đăng tải thông tin với tiêu đề "MÁU TUÔN RA TỪ TƯỢNG THÁNH ANTÔN TẠI QUẢNG BÌNH".
"Chiều nay Tận mắt Cha quản xứ và bà con giáo dân thuộc Gx Xuân Hoà GP Hà Tĩnh (Quảng Trạch-Quảng Bình) Cha Phêrô Mai Xuân Ái Đang Quản Xứ.
Tượng Ông Thánh Antôn được trưng trước Cung Thánh Đường, tự nhiên chảy máu từ trên đầu xuốg, bà con giáo dân đến xem lấy khăn lau mãi nhưng máu trên đầu của Thánh Anton vẫn cứ tiếp tục chảy."
Thông tin này nhanh chóng được một số trang tin Công giáo khác dẫn về và lan truyền cho đông đảo người Công giáo đọc.

Mê tín: Tin một cách mù quáng vào thần thánh, ma quỷ, số mệnh và những điều huyền hoặc
- Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2000, trang 628 -

Đây không phải là lần đầu tiên các câu chuyện có nội dung về việc tượng Chúa, tượng Đức mẹ hay tượng các thánh khóc ra dầu, ra nước, ra máu hay tượng biết nhúc nhích... xuất hiện ở Việt Nam. Và hầu hết các vụ việc này đều được Tòa thánh Vatican và Hội đồng Giám mục Việt Nam phủ nhận bởi giáo hội Công giáo được cho là nghiêm cấm các hành vi mê tín, dị đoan.



Thực tế, đối với thông tin về việc tượng thánh chảy máu ở giáo xứ Xuân Hòa, trong lúc "Thanh niên Công giáo" tỏ ra sốt sắng loan tin thì tài khoản cá nhân của linh mục quản xứ Mai Xuân Ái, người vốn rất nhanh nhạy trong việc sử dụng mạng xã hội Facebook để cập nhật tin tức về đời sống sinh hoạt tôn giáo tại địa bàn mục vụ của mình, lại hoàn toàn "im hơi, lặng tiếng".

Ảnh chụp tượng thánh Antôn trước sân nhà thờ giáo xứ Xuân Hòa chiều ngày 13/3/2020

Qua trao đổi với nhiều người dân giáo xứ Xuân Hòa được biết: buổi chiều cùng ngày, sau khi phát hiện tượng thánh Antôn trước sân nhà thờ giáo xứ có vệt nước màu nâu vàng, cha xứ đã chỉ đạo giáo dân dùng khăn lau khiến vệt nước này mờ hẳn đi chứ hoàn toàn không có chuyện bà con giáo dân lau mãi nhưng máu trên đầu Thánh Anton vẫn cứ tiếp tục chảy như fanpage "Thanh niên Công giáo" miêu tả.

Ảnh chụp tượng thánh Antôn trước sân nhà thờ giáo xứ Xuân Hòa tối ngày 13/3/2020

Việc loan tin không đúng sự thật về việc tượng thánh chảy máu của fanpage "Thanh niên Công giáo" đang khiến người dân giáo xứ Xuân Hòa hết sức lo lắng bởi thông tin này có thể dẫn đến việc người dân các nơi kéo về Xuân Hòa chiêm ngắm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho linh mục và cộng đoàn tín hữu nơi đây giữa mùa đại dịch COVID-19 đang bùng phát.

Người dân tụ tập đến nhà thờ giáo xứ Xuân Hòa xem tượng thánh chảy máu mắt

Do vậy, đây là việc làm cần phải được cộng đồng nhìn nhận, đánh giá một cách cẩn thận và lên án mạnh mẽ!

@Kim

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2020

COVID-19: Khi "lòng Chúa thương xót" không thể chiến thắng sự ích kỷ, hẹp hòi của người Kitô hữu

Lòng thương xót là một đề tài quen thuộc và quan trọng trong Kitô giáo. Từ này được cho là gắn liền với hình ảnh và bản chất của Thiên Chúa, cũng như thuộc về căn tính và bản chất của người Kitô hữu. Chính bởi lòng thương xót mà Thiên Chúa đã xuống trần làm người để chia sẻ phận người với những ai đang sống trong cảnh lầm than khốn cùng của tội lỗi, nhằm cứu vớt họ và cho họ hưởng hạnh phúc.


Hội thánh vẫn không ngừng mời gọi con cái mình hãy đi ra để trở nên những chứng nhân, những sứ giả đem tình yêu, Lòng thương xót của Chúa đến cho mọi người, ngõ hầu nhân loại đều được Thiên Chúa xót thương.

"Phúc thay ai xót thương người thì sẽ được Thiên Chúa xót thương." (Mt 5,7)

Điển hình gần đây nhất là trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới Bệnh nhân thứ 28 được cử hành vào ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11/02/2020 , Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định những người bệnh là "những người “vất vả gồng gánh nặng nề” và do đó lôi kéo cái nhìn và trái tim của Chúa Giêsu". Ngài đã thẳng thắn thừa nhận "Đôi khi chúng ta tiếp xúc với các bệnh nhân này mà không thể hiện sự ấm áp của tình nhân loại. Theo quan điểm chữa lành nhân bản toàn diện, cần thiết phải tiếp cận bệnh nhân, không chỉ chữa bệnh mà còn chăm sóc" và kêu gọi "trong tinh thần liên đới và bổ sung, sẽ có nhiều nỗ lực cộng tác nhằm bảo đảm mọi người đều có quyền được điều trị để giữ gìn và phục hồi sức khỏe" nhằm đưa Giáo hội ngày càng nên giống như “quán trọ” của người Samaritanô nhân hậu, trở thành một ngôi nhà, ở đó những người bệnh có thể gặp được ân sủng của Ngài, được thể hiện qua sự gần gũi, đón nhận và xoa dịu.


Thực tế, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Thánh, trong lúc cả thế giới đang phải đối mặt với hiểm nguy do dịch bệnh COVID-19 gây ra, tại nhiều nơi, các tín đồ Kitô giáo đã ngày đêm cầu nguyện xin Chúa Giêsu Thánh thể chữa lành cho các bệnh nhân và bảo vệ thế giới trước căn bệnh này.

Anh em đừng yêu thương nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3, 18).

Thế nhưng, như chính Thánh Gioan lo ngại về việc lòng thương xót chỉ là lời nói suông chứ không được thể hiện bằng hành động bác ái.


Việc tổ chức cầu nguyện cho các bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 tại một số nơi, trong đó có giáo xứ Chày (thôn Chày Lập, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) xem ra chỉ là việc làm hình thức khi linh mục quản xứ và một số giáo dân nơi đây sẵn sàng tụ tập đông người, tiến hành rào chắn đường chỉ để gây áp lực buộc chính quyền phải đưa 04 du khách nước ngoài cùng đi du lịch với một người nghi nhiễm bệnh được một cơ sở du lịch trong thôn cho cách ly tại chỗ ra khỏi địa bàn.


Lý do được linh mục Cao Dương Đông và một số giáo dân đưa ra là nơi cách ly nằm trong khu dân cư, việc cách ly tại đây không đảm bảo an toàn cho cộng đồng dân cư. Nhưng thực tế nơi cách ly nằm cách xa nhà thờ giáo xứ Chày và nhà dân gần nhất hơn 200m. Việc những người khách này được cách ly tại chỗ là đúng quy định và hướng dẫn của ngành y tế. Đó là chưa kể tại cơ sở du lịch này đang có gần 50 giáo dân giáo xứ Chày làm việc, trong đó có người cũng đã tiếp xúc với những người bị cách ly.


Việc làm của linh mục, một số giáo dân giáo xứ Chày phần nào có thể được lý giải bởi nỗi sợ hãi và sự ích kỷ luôn tồn tại trong bản thân mỗi con người.

Thực phẩm được chia, đóng gói và giao tận tay từng hộ dân bị cách ly tại phố Trúc Bạch

Nếu so sánh với những hình ảnh ấm lòng ở phố cách ly Trúc Bạch, thành phố Hà Nội - nơi người dân bị cách ly đoàn kết, yêu thương lẫn nhau cũng như luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Thì việc làm vô cảm của một số giáo dân giáo xứ Chày dưới sự chăn dắt của linh mục Cao Dương Đông đã phần nào làm xấu đi hình ảnh của người Kitô hữu, khiến nhiều người băn khoăn tự hỏi phải chăng "Lòng Chúa thương xót cũng không thể chiến thắng sự ích kỷ, hẹp hòi cá nhân của một số Kitô hữu?!".

@Nhân Trần

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2020

Tâm tình mùa Chay!

Công giáo là tôn giáo độc thần! Tín đồ Công giáo được Chúa dạy chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa mà người Công giáo tôn thờ là Thiên Chúa Ba Ngôi gồm Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Con là chính Chúa Giêsu nhập thể làm người trong cung lòng của một người nữ là Đức Mẹ Maria. Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa và Ngài cũng là chính Thiên Chúa, nên người Công giáo với sự xác quyết của Giáo Hội Công giáo tin chắc chắn rằng Đức Mẹ Maria chính là Mẹ Thiên Chúa. Đây cũng chính là lý do khiến người Công giáo đặc biệt tôn kính Đức Mẹ!

Việc tôn kính Đức Mẹ của Giáo hội Công giáo không chỉ trong các lời kinh, lời ca tụng về cuộc đời bà trong cuộc sống hàng ngày mà còn trong rất nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật, âm nhạc, điêu khắc và kiến trúc.

Tượng đài Đức Mẹ Bãi Dâu, một trong những trung tâm hành hương lớn của người Công giáo Việt Nam

Mặc dù ở Việt Nam và trên khắp thế giới có rất nhiều tượng đài Đức Mẹ đã được xây dựng một cách hoành tráng. Nhưng thực tế Giáo hội Công giáo hoàn toàn không khuyến khích việc chú trọng xây dựng các đền thờ, tượng đài, dù là của Đức Mẹ, của Thiên Chúa hay của một danh nhân nào đó với quy mô quá lớn. 

Ai theo đuổi những sự phù phiếm là điên dại”.
- CHÂM 12:11, Trịnh Văn Căn -
Các ngươi chớ làm những thần tượng vô giá trị; hoặc hình chạm, hoặc hình đúc; chớ dựng trong xứ mình một hòn đá nào có dạng-hình, đặng sấp mình trước mặt hình đó” (Lê 26:1).
- Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ -

Bởi đền thờ, tượng đài dù xây bằng vật liệu gì gỗ hay đá bất kể rồi cũng sẽ hư hoại qua đi vì đó là thứ vật chất, chỉ có tình yêu thương và ân sủng của Thiên Chúa thì luôn tồn tại mãi. Biết bao những công trình lịch sử, những kỳ quan thế giới rồi cũng sẽ hư hoại trước sức hủy diệt của thời gian, chỉ có công trình xây dựng trên sự đức khiêm tốn, sự hy sinh thì mới tồn tại cùng năm tháng.

Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài huấn dụ ngày 15/12/2019 cũng đề nghị các tín hữu "Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta, để khi đến gần lễ Giáng Sinh, chúng ta không để mình bị phân tâm bởi những thứ bên ngoài, nhưng tạo khoảng trống trong trái tim cho Đấng đã đến và muốn lại đến để chữa lành bệnh tật và ban cho chúng ta niềm vui".

Tượng đài Đức Mẹ hiện tại của giáo xứ Chày

Thế nhưng, mới đây, tại giáo xứ Chày (xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), dù giáo xứ đã có tượng đài Đức Mẹ làm nơi cho giáo dân (những người còn đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, thường xuyên phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do lũ lụt gây ra) cầu nguyện, bảy tỏ lòng sùng kính của mình đối với Đức Mẹ. Vậy mà linh mục Cao Dương Đông, người mới chuyển về mục vụ tại giáo xứ chưa đầy 03 tháng, lại yêu cầu giáo dân phải đóng góp sức người, sức của để xây dựng tượng đài Đức Mẹ mới.


Điều đáng nói là dù tượng Đức Mẹ tại tượng đài cũ không hề có dấu hiệu hư hại gì bởi thời gian nhưng linh mục Đông vẫn chủ trương thay tượng mới. Những ghế đá tại khu vực tượng đài cũ vẫn còn tốt, đủ đảm bảo để giáo dân có thể ngồi ngắm nguyện nhưng linh mục Đông lại cho giáo dân ai thích thì lấy về nhà mà dùng để linh mục kêu gọi ân nhân các nơi ủng hộ tiền mua ghế mới.

Linh mục Cao Dương Đông công khai chửi bới, xúc phạm cán bộ chính quyền địa phương

Việc đi đến đâu cũng làm tượng đài Đức Mẹ cho thấy linh mục Cao Dương Đông là người có lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ. Thế nhưng sự sùng kính đó chỉ là biểu hiện bề ngoài! Chứ vị linh mục này hoàn toàn không học được gì từ Đức Mẹ những đức tính đáng quý như khiêm nhường, tử tế, vị tha.

Mới "chân ướt, chân ráo" về địa bàn, chưa tìm hiểu kỹ ngọn ngành nhưng Cao Dương Đông đã sẵn sàng buông lời chửi bới cán bộ chính quyền địa phương dựa trên một cái cột điện xiêu vẹo được người dân chụp ảnh đưa lên mạng. Thực tế, tình trạng cột điện xuống cấp trên địa bàn đã được chính quyền xã Phúc Trạch nhiều lần phản ánh, kiến nghị và ngành Điện lực đã có kế hoạch tu sửa, nâng cấp ngay trong tháng 03/2020.

Dù không đồng tình với việc làm phù phiếm, lãng phí của linh mục Cao Dương Đông thì giáo dân giáo xứ Chày bây giờ chỉ dám cầu nguyện để vị cha xứ của mình sớm biết loại bỏ những gì là tính mê nết xấu, ghen ghét, giận hờn, chia rẽ bất hòa... để còn dẫn dắt đoàn chiên xây dựng lại đền thờ tâm hồn của mình trong mùa Chay, mùa cầu nguyện, sám hối, ăn năn tội lỗi, thực hành bác ái từ thiện, chuộc tội và từ bỏ chính mình!

@Lê Dân

NỔI BẬT

Những ngôn sứ không biết "đá lưỡi"!

Trong Công giáo, các linh mục được xem là người phát ngôn, truyền đạt thông điệp của Thiên Chúa cho mọi người, hay còn gọi là "ngôn sứ...