Lòng thương xót là một đề tài quen thuộc và quan trọng trong Kitô giáo. Từ này được cho là gắn liền với hình ảnh và bản chất của Thiên Chúa, cũng như thuộc về căn tính và bản chất của người Kitô hữu. Chính bởi lòng thương xót mà Thiên Chúa đã xuống trần làm người để chia sẻ phận người với những ai đang sống trong cảnh lầm than khốn cùng của tội lỗi, nhằm cứu vớt họ và cho họ hưởng hạnh phúc.
Hội thánh vẫn không ngừng mời gọi con cái mình hãy đi ra để trở nên những chứng nhân, những sứ giả đem tình yêu, Lòng thương xót của Chúa đến cho mọi người, ngõ hầu nhân loại đều được Thiên Chúa xót thương.
"Phúc thay ai xót thương người thì sẽ được Thiên Chúa xót thương." (Mt 5,7)
Điển hình gần đây nhất là trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới Bệnh nhân thứ 28 được cử hành vào ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11/02/2020 , Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định những người bệnh là "những người “vất vả gồng gánh nặng nề” và do đó lôi kéo cái nhìn và trái tim của Chúa Giêsu". Ngài đã thẳng thắn thừa nhận "Đôi khi chúng ta tiếp xúc với các bệnh nhân này mà không thể hiện sự ấm áp của tình nhân loại. Theo quan điểm chữa lành nhân bản toàn diện, cần thiết phải tiếp cận bệnh nhân, không chỉ chữa bệnh mà còn chăm sóc" và kêu gọi "trong tinh thần liên đới và bổ sung, sẽ có nhiều nỗ lực cộng tác nhằm bảo đảm mọi người đều có quyền được điều trị để giữ gìn và phục hồi sức khỏe" nhằm đưa Giáo hội ngày càng nên giống như “quán trọ” của người Samaritanô nhân hậu, trở thành một ngôi nhà, ở đó những người bệnh có thể gặp được ân sủng của Ngài, được thể hiện qua sự gần gũi, đón nhận và xoa dịu.
Thực tế, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Thánh, trong lúc cả thế giới đang phải đối mặt với hiểm nguy do dịch bệnh COVID-19 gây ra, tại nhiều nơi, các tín đồ Kitô giáo đã ngày đêm cầu nguyện xin Chúa Giêsu Thánh thể chữa lành cho các bệnh nhân và bảo vệ thế giới trước căn bệnh này.
“Anh em đừng yêu thương nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3, 18).
Thế nhưng, như chính Thánh Gioan lo ngại về việc lòng thương xót chỉ là lời nói suông chứ không được thể hiện bằng hành động bác ái.
Việc tổ chức cầu nguyện cho các bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 tại một số nơi, trong đó có giáo xứ Chày (thôn Chày Lập, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) xem ra chỉ là việc làm hình thức khi linh mục quản xứ và một số giáo dân nơi đây sẵn sàng tụ tập đông người, tiến hành rào chắn đường chỉ để gây áp lực buộc chính quyền phải đưa 04 du khách nước ngoài cùng đi du lịch với một người nghi nhiễm bệnh được một cơ sở du lịch trong thôn cho cách ly tại chỗ ra khỏi địa bàn.
Lý do được linh mục Cao Dương Đông và một số giáo dân đưa ra là nơi cách ly nằm trong khu dân cư, việc cách ly tại đây không đảm bảo an toàn cho cộng đồng dân cư. Nhưng thực tế nơi cách ly nằm cách xa nhà thờ giáo xứ Chày và nhà dân gần nhất hơn 200m. Việc những người khách này được cách ly tại chỗ là đúng quy định và hướng dẫn của ngành y tế. Đó là chưa kể tại cơ sở du lịch này đang có gần 50 giáo dân giáo xứ Chày làm việc, trong đó có người cũng đã tiếp xúc với những người bị cách ly.
Việc làm của linh mục, một số giáo dân giáo xứ Chày phần nào có thể được lý giải bởi nỗi sợ hãi và sự ích kỷ luôn tồn tại trong bản thân mỗi con người.
Thực phẩm được chia, đóng gói và giao tận tay từng hộ dân bị cách ly tại phố Trúc Bạch |
Nếu so sánh với những hình ảnh ấm lòng ở phố cách ly Trúc Bạch, thành phố Hà Nội - nơi người dân bị cách ly đoàn kết, yêu thương lẫn nhau cũng như luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Thì việc làm vô cảm của một số giáo dân giáo xứ Chày dưới sự chăn dắt của linh mục Cao Dương Đông đã phần nào làm xấu đi hình ảnh của người Kitô hữu, khiến nhiều người băn khoăn tự hỏi phải chăng "Lòng Chúa thương xót cũng không thể chiến thắng sự ích kỷ, hẹp hòi cá nhân của một số Kitô hữu?!".
@Nhân Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét