Sự cố môi trường biển miền Trung đã trôi qua gần 04 năm. Với sự nỗ lực hết mình của các cấp, các ngành trong việc chi trả tiền đền bù thiệt hại do sự cố gây ra đồng thời triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, người dân các địa phương bị ảnh hưởng bởi sự cố đã dần ổn định đời sống và khôi phục, phát triển kinh tế.
Đào tạo nghề xuất khẩu lao động cho người bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển |
Tuy nhiên gần đây, liên quan việc chi trả tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đối với người đi xuất khẩu lao động, người dân một số địa phương ở Quảng Bình do chưa hiểu rõ các quy định nên còn thắc mắc một số vấn đề như: Vì sao mức hỗ trợ thấp trong khi quy định thì tối đa có thể lên đến 10 triệu đồng/ trường hợp? Vì sao đi cùng thời điểm mà người nhận 1.700.000đ, người nhận 2.250.000đ…? Tại sao đi cùng một nước, cùng thời điểm, cùng hồ sơ mà người ít, người nhiều?
Chi trả tiền hỗ trợ xuất khẩu lao động cho người dân |
Sau khi có thông tin từ người dân, chúng tôi đã tìm hiểu từ các cơ quan chức năng và các văn bản pháp lý liên quan để tìm câu trả lời. Cụ thể:
1. Vì sao mức hỗ trợ thấp trong khi quy định thì tối đa có thể lên đến 10 triệu đồng/trường hợp?
Theo quy định, nếu người lao động có đầy đủ các giấy tờ (Bản sao chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết kèm theo có đầy đủ các hóa đơn hoặc biên lai thu tiền hoặc phiếu thu đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực và lý lịch tư pháp) thì mức hỗ trợ tối đa có thể trên 10 triệu, vì mức hỗ trợ cao là do định mức hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ.
Trường hợp người lao động không có các hồ sơ theo quy định như kể trên thì theo quy định tại Công văn số 3060/LĐTBXH – QLLĐNN ngày 29/7/2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ được hỗ trợ theo định mức một số tiền là các khoản: Khám sức khỏe ( 500.000 đ/người), Hộ chiếu (200.000đ/người), Lý lịch tư pháp: (200.000đ/người), Thị thực – vi sa (mức thông thường theo công bố của nước tiếp nhậ lao động tại thời điểm cấp thị thực).
2. Vì sao đi cùng thời điểm mà người nhận 1.700.000đ, người nhận 2.250.000đ…?
Theo quy định, nếu người lao động không có đầy đủ các giấy tờ (Bản sao chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết kèm theo có đầy đủ các Hóa đơn hoặc Biên lai thu tiền hoặc Phiếu thu đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực và lý lịch tư pháp) chỉ được hỗ trợ theo định mức một số tiền là các khoản: Khám sức khỏe (500.000đ/người), Hộ chiếu (200.000đ/người), Lý lịch tư pháp: (200.000đ/người), Thị thực – vi sa (mức thông thường theo công bố của nước tiếp nhận lao động tại thời điểm cấp thị thực).
Tuy nhiên, quy định về hỗ trợ Visa mỗi nước và mỗi thời điểm khác nhau. Ví dụ: Theo quy định tại công văn số 1068/CQQLLĐNN – KHTC ngày 29/7/2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện hỗ trợ người lao động đi làm việc tại nước ngoài thì mức phí Visa đi Nhật là 630.000đ; đi Hàn Quốc là 50 USD (đối với CT ESP (E9) hoặc làm việc trên tàu trọng tải trên 20 tấn (E10) hoặc lao động kỹ thuật cao (E7) hoặc 30 USD (C4) áp dụng cho lao động theo thời vụ); đi Đài Loan là 66 USD (nhưng tùy từng hợp đồng, có trường hợp trong hợp đồng ghi là chi phí Visa 1.386.000đ, nhưng có trường hợp ghi là 1.518.000đ – hợp đồng ghi như thế nào thì thanh toán như thế, miễn là không quá định mức 1.518.000đ).
Cho nên, mức hỗ trợ cao, thấp là tùy vào định mức Visa của mỗi nước bên cạnh các khoản định mức (Khám sức khỏe: 500.000đ/người; Hộ chiếu: 200.000đ/người; Lý lịch tư pháp: 200.000đ/người).
3. Tại sao đi cùng một nước, cùng thời điểm, cùng hồ sơ mà người ít, người nhiều?
Theo quy định tại Công văn số 956/SLĐTBXH – CSLĐ ngày 18/7/2018 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình về việc hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo theo hợp đồng thì: Mức hỗ trợ đối với người lao động bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển (MTB) thuộc các diện hộ nghèo (HN), hộ cận nghèo (HCN), thân nhân người có công (NCC) khác với người lao động không thuộc các diện trên.
Ví dụ:
+ Nếu người lao động bị sự cố MTB mà thuộc HN, HCN, NCC thì mức hỗ trợ học tiếng Nhật Là 5.900.000đ/người, học nghề có thể lên đến 6.000.000đ/người… trong khi người không thuộc diện HN, HCN, NCC thì được hỗ trợ học ngoại ngữ không quá 3.000.000đ/người, học nghề không quá 2.500.000đ/người.
+ Đối với lao động bị sự cố MTB mà thuộc diện HN, HCN, NCC thì mức hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí mức 40.000đ/người/ngày thực học, tiền ở với mức 300.000đ/người/tháng, thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tham gia khóa đào tạo nhưng không quá 12 tháng; Tiền trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu cho người lao động mức 400.000đ/người còn nếu là người không thuộc diện HN, HCN, NCC thì chỉ được hỗ trợ tiền ăn 40.000đ/ngày thực học. Trong khi mức hỗ trợ tiền ăn, tiền ở phải căn cứ vào chứng chỉ học nghề, học ngoại ngữ…
Cho nên, mức hỗ trợ cao, thấp tùy thuộc người lao động có thuộc diện HN, HCN, NCC hay không.
Như vậy có thể khẳng định việc chi trả tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp dưới hình thức xuất khẩu lao động cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển đã được chính quyền các địa phương thực hiện một cách nghiêm túc trên cơ sở các quy định, hướng dẫn của các cấp, các ngành.
Một số đối tượng xấu lợi dụng việc người dân chưa hiểu rõ các quy định về việc chi trả tiền hỗ trợ xuất khẩu lao động để kích động gây rối |
Hy vọng với những thông tin được cung cấp qua bài viết, người dân hiểu rõ được vấn đề, đồng thuận, cảnh giác không bị các đối tượng xấu kích động tham gia các hoạt động khiếu nại đông người, vượt cấp, gây mất ANTT tại địa phương.
@Trần Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét