Tối 23-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thông tin về xử lý vi phạm trong Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2018. Theo đó, tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La đã xảy ra các sai phạm nghiêm trọng dẫn đến sai lệch điểm thi của một số thí sinh. Kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Sơn La và kết quả chấm thẩm định cho thấy: Có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và hai bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng ba môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9 điểm.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả kết luận điều tra của Công an tỉnh Sơn La, câu hỏi "Các thí sinh được nâng điểm là con cháu của ai?" đã được rất nhiều người đặt ra.
Để trả lời câu hỏi này, có lẽ cần đặt câu hỏi: "Các thí sinh đó là ai?".
Hiện, có hai luồng ý kiến. Một là cần công khai tên tuổi các thí sinh này bởi đây là hành vi vi phạm và hiện, các em đều đã trên 18 tuổi, tức là tuổi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về các hành vi của mình mà ở đây, không có chuyện không có sự tham gia của các em.
Luồng ý kiến thứ hai, cho rằng các em chỉ là nạn nhân của người lớn. Việc công bố tên tuổi các em có thể còn gây hậu quả xấu nếu chẳng may có em nào đó suy nghĩ bồng bột, hành động tiêu cực…
Tuy nhiên, về phía phụ huynh thì ý kiến nhìn chung là thống nhất, cần phải công khai danh tính họ bởi việc nâng điểm không thể không có mục đích.
Nói thẳng ra, dù chưa công bố nhưng câu hỏi “con cháu nhà ai?” không khó trả lời bởi dứt khoát đó không phải là con mấy ông bà nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho giời làm chẳng đủ ăn.
Đó cũng không phải là con em các công nhân trong các khu công nghiệp làm 9- 10 tiếng/ngày thu nhập dăm bảy triệu bạc/tháng.
Đó cũng không phải con cháu công chức lương ba cọc, ba đồng.
Đó cũng không phải con cái các chiến sĩ quân đội ngày đêm căng mình nơi biên giới hải đảo để bảo vệ biên cương.
Đó cũng không phải con cái các chiến sĩ công an đang lăn lộn trên mọi nẻo đường Tổ quốc để gìn giữ sự bình yên cuộc sống.
Cho nên có thể nói, câu hỏi “con cái nhà ai” đã có câu trả lời. Đó là con cái những người có chức quyền hoặc có tiền hoặc có cả hai. Họ không thể không phải chịu trách nhiệm về những hành vi sai trái cua mình.
Nếu phát hiện dùng tiền, họ dính tội đưa hối lộ.
Nếu phát hiện dùng quyền, họ mắc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn và nếu cả hai, họ mắc cả hai tội danh trên.
Do đó, nếu việc công khai tên tuổi các cháu cần cân nhắc thì việc công khai phụ huynh lại là điều cần thiết bởi dù với bất cứ lý do gì, họ cũng là người trực tiếp vi phạm.
Công khai, minh bạch chính là biện pháp hữu hiệu trong công cuộc ngăn chặn tham nhũng tiêu cực và ngược lại, sự bao che, mập mờ chính là mảnh đất ươm mầm cho cái xấu, cái ác nảy sinh!
@Tám
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét