Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

Phản biện bài viết "MỘT NỀN GIÁO DỤC THẤT BẠI"

Sau khi các trường đại học, cao đẳng trong cả nước lần lượt công bố điểm chuẩn tuyển sinh năm 2017, trên các trang mạng xã hội nhanh chóng lan truyền một bài viết với tiêu đề "MỘT NỀN GIÁO DỤC THẤT BẠI!". Toàn văn bài viết này như sau:

"MỘT NỀN GIÁO DỤC THẤT BẠI!
1. Không có quốc gia nào mà thí sinh thi 30 điểm/3 môn lại rớt đại học cả. Trên đời này rất rất khó có sự hoàn thiện đến mức đó cả. Thậm chí đạt đến sự hoàn thiện tuyệt đối 30 điểm/ 3 môn vẫn rớt. Chỉ tuyển những thí sinh trên 30 điểm nghĩa là những thí sinh đó trên sự hoàn thiện tuyệt đối à.
2. Không có quốc gia nào mà nghề cốt lõi nhất cho một đất nước, gốc rễ nền tảng nhất là giáo dục thì ngành sư phạm lấy đầu vào thấp nhất 12,5 điểm để sau này thành giáo viên.
3. Không có quốc gia nào phát triển mà các ngành nền tảng, tạo ra sản phẩm, tạo giá trị vững chắc như nông nghiệp, kỹ thuật.... bị coi rẻ đến mức chỉ dành thí sinh điểm thấp. Thậm chí thí sinh không thèm quan tâm nữa.
4. Không quốc gia nào mà những ngành "khổ cực nhất, phục vụ nhân dân" như công an lại lấy trên sự tuyệt đối. Thí sinh thi 30 môn đạt tuyệt đối 30 điểm là rớt ???? Chả hiểu sao bọn trẻ lại bon chen vào ngành này!!!
5. Không quốc gia nào mà ngành chăm sóc sức khoẻ, liên quan tính mạng con người nơi lấy 29,5 điểm, có nơi chỉ cần xét học bạ hay đủ điểm sàng là sau 5,6 năm thành Bác sĩ, dược sĩ hết.
6. Không quốc gia nào, nông nghiệp là thế mạnh đất nước mà chả học sinh nào muốn vào học, nếu có là những thí sinh điểm thấp hết đường mới vào ngành đó học.
7. Nếu chỉ tính riêng ngành Bs đa khoa, trường đại học y dược tphcm, có 404 em đỗ mức 29,25 điểm thì chỉ có 26 thí sinh trúng tuyển mà không có điểm cộng và ưu tiên còn lại 378 thí sinh trúng tuyển là nhờ đối tượng ưu tiên, vùng ưu tiên. Vậy các em giỏi thật mà không thuộc đối tượng ưu tiên thì phải gác lại giấc mơ đại học nhé! Không quốc gia nào có được điều này!!!
ÔI GIÁO DỤC!"

Nội dung bài viết thể hiện cái nhìn lo lắng, bi quan về chất lượng nền giáo dục nước nhà. Nhưng thực tế có đen tối đến vậy khi mà những tin vui về thành tích của đoàn học sinh Việt Nam tại các kỳ thi Olympic Quốc tế năm 2017 vừa bay về tới tấp?!

Để tiện bề tranh luận, dựa trên chính kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, xin đưa ra một số ý kiến phản biện bài viết trên như sau:

1. Chuyện thí sinh thi 30 điểm/3 môn rớt đại học mới nghe qua có thể cảm thấy lạ lẫm, buồn cười. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ có thể thấy năm nay, chỉ có 02 ngành của 02 trường đại học thuộc ngành Công an có điểm trúng tuyển trên 30 điểm và đều áp dụng đối với thí sinh nữ (gồm: Học viện An ninh nhân D01 - nữ ngành Ngôn ngữ Anh: 30,5 điểm; Đại học Phòng cháy Chữa cháy A00 - nữ phía Bắc: 30,25 điểm).

Trong khi ai cũng biết rằng các trường thuộc ngành Công an có đặc thù riêng là sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ được bố trí công tác ngay tại Công an các đơn vị, địa phương, không phải sợ cảnh thất nghiệp như sinh viên các khối ngành khác. Chính vì lẽ đó, số lượng chỉ tiêu hàng năm của các trường thuộc ngành Công an được tính toán một cách chặt chẽ, chính xác, xuất phát từ nhu cầu cán bộ thực tế của Ngành. Thực tế, trong ngành Công an, dù không phủ nhận những đóng góp to lớn của số cán bộ, chiến sĩ nữ nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng so với các đồng nghiệp nam, họ có những mặt hạn chế nhất định. Do vậy, số lượng chỉ tiêu tuyển sinh dành cho nữ ít hơn rất, rất nhiều so với nam là điều hoàn toàn dễ hiểu. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc các thí sinh nữ đạt 30 điểm/3 môn nhưng vẫn rớt đại học.

Một nguyên nhân khác cũng quan trọng không kém đó là việc dù chỉ tiêu tuyển sinh dành cho nữ là rất ít nhưng số lượng thí sinh nữ đăng ký dự thi vào các trường đại học, học viện thuộc ngành Công an, ngành "khổ cực nhất, phục vụ nhân dân", vẫn rất đông. Điều này cũng là minh chứng cho thấy dù vẫn có những "con sâu làm rầu nồi canh", dù bị các thế lực thù địch, phản động ra sức xuyên tạc, hạ uy tín nhưng Công an Việt Nam vẫn được "dân tin, dân yêu, dân quý" và chất lượng đào tạo của các trường thuộc ngành Công an là rất cao!

2. Việc cho rằng ngành sư phạm lấy đầu vào thấp nhất là việc làm phiến diện, mang tính chủ quan, quy đồng điểm chuẩn một chuyên ngành của một trường đại học, cao đẳng nào đó thành điểm chuẩn chung của cả ngành sư phạm. Trong khi điểm chuẩn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2017 thấp nhất là 17 điểm đối với các ngành giáo dục công dân, giáo dục Quốc phòng – An ninh, công tác xã hội và cao nhất là 27,75 điểm đối với ngành sư phạm Toán học (dạy Toán bằng tiếng Anh) – không phải dễ đậu đâu nhé. Tất nhiên, việc có trường sư phạm lấy đầu vào 12,5 điểm là điều có thể hiểu được khi chất lượng, trình độ đào tạo của các trường là không đồng đều và sự đánh giá để tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp một trường thuộc tốp trên so với sinh viên một trường tốp dưới là hoàn toàn khác nhau.

3. Quan điểm các ngành nền tảng, tạo ra sản phẩm, tạo giá trị vững chắc như nông nghiệp, kỹ thuật.... bị coi rẻ có thể hiểu là số lượng thí sinh đăng ký dự thi ít và chỉ những thí sinh có học lực không phải hàng tốp mới lựa chọn đăng ký dự thi vào các ngành này. Tuy nhiên, sự “coi rẻ” ở đây thể hiện tâm lý của xã hội, của các thí sinh trong việc lựa chọn ngành nghề, xuất phát từ nhu cầu, sở thích cá nhân chứ không thể coi là sản phẩm của nền giáo dục vì không thầy cô nào có thể bắt buộc các em học sinh chọn ngành này hay ngành khác. Thực tế, điểm chuẩn của các trường đại học tốp trên thuộc các ngành nông nghiệp, kỹ thuật cũng không phải là thấp (như: Đại Học Bách Khoa Hà Nội – điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin 28,25 điểm, ngành Điện - Điều khiển và Tự động hóa 26,25 điểm; Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam - điểm chuẩn ngành Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp 25,5 điểm, ngành Công nghệ thực phẩm 22,5 điểm) và số lượng thí sinh đến nhập học cũng khá đông (Học viện Nông nghiệp Việt Nam có tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2017 là 4.780, nhưng chỉ phải xét tuyển bổ sung đợt 1 là 1.378 thí sinh).

4. Việc các trường thuộc ngành y, dược có hình thức xét tuyển khác nhau, trường thì lấy điểm thi đại học làm tiêu chí duy nhất (mỗi trường một mức điểm trúng tuyển khác nhau), trường thì lấy học bạ làm căn cứ duy nhất, trường thì kết hợp điểm thi đại học với học bạ... là điều bình thường, thể hiện sự phân hóa chất lượng đào tạo, tính tự chủ của các trường đại học, cao đẳng nói chung và trong ngành y, dược nói riêng trong tuyển sinh.

Mặt khác, việc xét tuyển học bạ, kết hợp giữa học bạ là phương thức tuyển sinh đang được sử dụng khá phổ biến tại một số quốc gia có nền giáo dục phát triển như Hàn Quốc (điểm thi đại học chiếm 65% kết quả tuyển sinh, bảng điểm Phổ thông Trung học 25% và thi tự luận tại trường đại học 10%); Mỹ (việc lựa chọn sinh viên dựa trên bảng điểm trung học, kết quả thi SAT hoặc ACT và bài luận), Na Uy (thành tích tại trường THPT, điểm thưởng cho ngành học đặc biệt, kinh nghiệm phục vụ quân đội của một học sinh là những yếu tố được cân nhắc trong quá trình xét tuyển đại học).

@Hạt Dưa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỔI BẬT

Những ngôn sứ không biết "đá lưỡi"!

Trong Công giáo, các linh mục được xem là người phát ngôn, truyền đạt thông điệp của Thiên Chúa cho mọi người, hay còn gọi là "ngôn sứ...