Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

Công khai danh tính đại biểu Quốc hội khi biểu quyết - Khi nào nên, khi nào không?

Tại kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XIV, bên cạnh dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Luật An ninh mạng, có một vấn đề được dư luận cử tri cả nước quan tâm tranh luận là việc nên hay không công khai danh tính đại biểu Quốc hội khi bấm nút biểu quyết.

Kết quả biểu quyết của đại biểu Quốc hội thông qua Luật an ninh mạng sáng 12-6
Liên quan vấn đề nay, theo số liệu của Hiệp hội thư ký thế giới, trong số 283 nghị viện trên thế giới thì chỉ có 70 nghị viện chọn hình thức biểu quyết công khai danh tính, còn lại là không công khai. Hình thức nào cũng có mặt tích cực và ngược lại. Do vậy, có những quốc gia đã kết hợp sử dụng cả 02 hình thức này. Điển hình như tại Viện Thứ dân thuộc Quốc hội Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, các thành viên biểu quyết bằng cách hô to "Aye" hoặc "No" - ở Viện Quý tộc là "Đồng ý" hoặc "Không đồng ý"- rồi chủ tọa phiên họp công bố kết quả biểu quyết; trong trường hợp có nghi vấn về lời công bố của chủ tọa phiên họp, một cuộc bầu phiếu sẽ được thực hiện. Hay tại Hoa Kỳ, thành viên của cả Thượng viện và Hạ viện thường biểu quyết bằng miệng; họ sẽ hô to "aye" hay "no", và chủ tọa phiên họp sẽ công bố kết quả. Dù vậy, Hiến pháp cũng quy định phải tổ chức biểu quyết bằng phiếu, nếu có yêu cầu của một phần năm số thành viên đang có mặt. Thông thường, biểu quyết bằng phiếu sẽ được tiến hành nếu kết quả của cuộc biểu quyết bằng miệng không rõ ràng, hoặc vấn đề được biểu quyết là chủ đề đang gây tranh cãi.

Đối với Việt Nam, Quốc hội là cơ quan đại biểu của Nhân dân. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Việc đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội phải theo ý chí nguyện vọng của nhân dân mà mình làm người đại diện chứ không phải theo tự do ý chí của riêng mình. Do vậy, việc từng đại biểu biểu quyết như thế nào phải công khai cho nhân dân được biết để đại biểu chịu sự giám sát của cử tri.


Điều 96 Luật Tổ chức Quốc hội đã có quy định về việc Quốc hội có thể biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín. Do vậy, trước những ý kiến, nguyện vọng tha thiết của đông đảo cử tri hiện nay, trong thời gian tới, Quốc hội nên có sự nghiên cứu, thảo luận để đưa ra quy định cụ thể: Khi nào công khai? khi nào không công khai danh tính đại biểu Quốc hội khi biểu quyết? Nên chăng đối với các dự luật, các vấn đề chung thì công khai danh tính, còn kết quả của cuộc biểu quyết công khai không rõ ràng, hoặc vấn đề được biểu quyết là chủ đề nhạy cảm, dễ đụng chạm (như việc lấy phiếu tín nhiệm) thì bỏ phiếu kín?!

@Lê Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỔI BẬT

Những ngôn sứ không biết "đá lưỡi"!

Trong Công giáo, các linh mục được xem là người phát ngôn, truyền đạt thông điệp của Thiên Chúa cho mọi người, hay còn gọi là "ngôn sứ...