Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng?!

Ngày 18/7/2018, RFA đưa tin về việc 03 thượng nghị sĩ Hoa Kỳ là Marco Rubio, Robert Menendez và Ron Wyden viết thư gửi đến quan chức điều hành chính của hai tập đoàn Facebook và Google kêu gọi bất tuân Luật An Ninh Mạng mà Quốc Hội Việt Nam thông qua vào ngày 12 tháng 6 vừa qua.

Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Menendez trong một cuộc họp báo ngày 17 tháng 7 năm 2018
tại thủ đô Hoa Kỳ ở Washington , DC.

Nội dung thư nêu rõ Facebook và Goggle đóng một vai trò rất lớn tại Việt Nam, cho phép hằng triệu người sử dụng trao đổi thông tin trong nước, liên kết với gia đình và người thân ở nước ngoài; đồng thời giúp tạo điều kiện cho những thảo luận, sinh hoạt cộng đồng mà trong thực tế không thể tiến hành được.

Tuy nhiên, việc Chính phủ Việt Nam ban hành Luật An ninh mạng, theo 03 thượng nghị sĩ, sẽ tạo nguy cơ cho tất cả những hoạt động vừa nêu khi cho phép cơ quan chức năng tiếp cận thông tin cá nhân, theo dõi người sử dụng, và giới hạn thêm nữa các quyền tự do hạn chế trên mạng hiện nay ở Việt Nam gồm quyền tự do ngôn luận, biểu đạt?

Ba thượng nghị sĩ đưa ra 04 yêu cầu Facebook và Google, đó là: (1) Không lưu trữ dữ liệu người dùng tại máy chủ đặt ở Việt Nam nhằm tránh không bị thu giữ bất cứ lúc nào bởi Bộ Công An nước chủ nhà. (2) Có những đường lối minh bạch liên quan đến việc gỡ bỏ nội dung. (3) Công bố ngay số lượng những yêu cầu gỡ bỏ nội dung mà chính phủ Hà Nội đưa ra, cũng như số lần mà hai tập đoàn phải thi hành những yêu cầu đó. (4) Chia sẻ cho các Ủy ban Đối Ngoại Hạ Viện, Đối Ngoại Thượng Viện và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tất cả những yêu cầu về dữ liệu người sử dụng từ phía các cơ quan chức năng Việt Nam; bên cạnh đó cho biết những yêu cầu nào mà hai tập đoàn đã đáp ứng ngõ hầu giúp cho việc đánh giá ai là những đối tượng bị nhắm đến và vì sao.

Trước đó, hôm 12/7/2018, RFA cũng đã đưa tin về việc 17 dân biểu Hoa Kỳ có thư gửi đến quan chức điều hành chính của Facebook và Google với những nội dung tương tự.

Việc các dân biểu, thượng nghị sĩ Hoa Kỳ liên tục tìm cách tác động các công ty Facebook, Google bất tuân Luật An ninh mạng của Việt Nam khiến không ít người liên hệ với vụ kiện của Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ FBI đối với Apple năm 2016.

Còn nhớ, sau vụ tấn công khủng bố ở San Bernardino, California ngày 02/12/2015 khiến 14 người chết và 21 người bị thương, FBI đã yêu cầu và được thẩm phán Sheri Pym chấp thuận ra lệnh cho Apple tạo ra một phần mềm để FBI mở khoá chiếc iPhone 5C được sử dụng bởi Syed Farook, một trong hai thủ phạm của vụ khủng bố. Tuy nhiên, Apple từ chối, và Tim Cook nói rằng nó đã đi quá xa, có thể đe doạ tới bảo mật của tất cả người dùng iPhone. Qua mặt mật khẩu iPhone có nghĩa là Apple sẽ tạo ra một "cửa hậu" trong hệ điều hành iOS, và nó có thể được dùng để mở khoá những chiếc iPhone khác - theo quan điểm Tim Cook. Vụ kiện đình đám kết thúc một ngày trước khi một phiên toà dự kiến được mở - khi FBI tìm được một công ty ngoài để mở khoá iPhone.

Với những gì xảy ra trong sự vụ này, có lẽ hành động của Apple xuất phát từ việc công ty mường tượng ra một tương lai tương tự như trong cuốn "1984" nổi tiếng của George Orwell. Cuốn tiểu thuyết về xã hội giả tưởng này kể về câu chuyện của Winston Smith, trong đó miêu tả chế độ chuyên chế đang cai trị xã hội làm bối cảnh, và bi kịch của nhân vật chính Winston Smith do chế độ đó gây ra. Ở phía bên kia, FBI - bên đại diện cho chính phủ quyền lực nhất thế giới - lo ngại nguy cơ tấn công khủng bố xảy ra nếu không thể truy cập được vào các thông tin quan trọng trong chiếc iPhone.  

Do vụ việc không được toà án phân xử, chúng ta không bao giờ có được một câu trả lời về liệu bên muốn bảo vệ quyền riêng tư (Apple) hay bên muốn phòng trừ nguy cơ khủng bố (FBI), sẽ được ưu tiên.

Đó là câu hỏi mà mỗi một dân biểu, thượng nghị sĩ Hoa Kỳ phải sớm trả lời, nhất là khi vẫn có những cuộc khủng bố xảy ra sau vụ việc ở San Bernardino, thay vì can thiệp vào việc ban hành Luật An ninh mạng ở Việt Nam (dù thực tế họ còn chẳng có quyền can thiệp)!

@Nhân Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỔI BẬT

Những ngôn sứ không biết "đá lưỡi"!

Trong Công giáo, các linh mục được xem là người phát ngôn, truyền đạt thông điệp của Thiên Chúa cho mọi người, hay còn gọi là "ngôn sứ...