Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

Cần hiểu đúng về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương có nguy cơ thấp

Chiều ngày 15/4/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19. 

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia về phân loại nguy cơ dịch bệnh giữa các địa phương dựa trên một số tiêu chí như: các phân tích dịch tễ học, tình hình dịch bệnh hiện nay, khả năng ứng phó, đặc điểm dân số, giao thông, có nhiều người nước ngoài đến, có nhiều ca lây nhiễm… Trên cơ sở đó, đồng ý phân loại các địa phương thành 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nhóm có nguy cơ thấp. Các nhóm này không phải bất biến, có thể điều chỉnh để phù hợp tình hình thực tế.

Có 4 hoạt động lớn khác biệt giữa 3 nhóm là: Việc ra khỏi nhà theo các mức độ yêu cầu; việc mở các cửa hàng không thiết yếu theo mức độ; việc vận chuyển bằng các phương tiện công cộng; việc tập trung đông người.

Nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Tĩnh. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc 30/4, tùy tình hình cụ thể về lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Cũng có thể trong phiên họp tới, bổ sung một số địa phương vào nhóm này nếu xảy ra tình trạng lây nhiễm.

Với nhóm nguy cơ gồm 15 địa phương là Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên-Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, kết hợp thực hiện tốt Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 đến ngày 22/4. Quyết định tiếp theo sẽ được đưa ra vào ngày 22/4 tùy vào tình hình dịch bệnh.

Nhóm nguy cơ thấp gồm 36 địa phương còn lại tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

Tỉnh Quảng Bình nằm trong nhóm các địa phương có nguy cơ thấp, nhưng không vì vậy mà lơ là, chủ quan trước dịch bệnh, cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện các biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các biện pháp hạn chế tụ tập đông người, gồm:

- Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

- Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

- Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa.

- Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến các nơi khác trên toàn quốc. Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.

Hôm nay, ngày 16/4/2020, ngày đầu tiên sau khi hết cách ly xã hội 15 ngày theo Chỉ thị 16, ghi nhận tại nhiều địa phương ở Quảng Bình, người dân đa số vẫn chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, đáng buồn tại giáo xứ Đan Sa, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, linh mục quản xứ Nguyễn Ái lại hiểu sai về việc hết cách ly xã hội, cho rằng nguy cơ dịch bệnh đã qua, kêu gọi giáo dân đến nhà thờ đi lễ như bình thường.

Để xếp nguy cơ dịch bệnh của các địa phương, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 và các chuyên gia đã dựa trên các yếu tố nguy cơ để xây dựng các điểm số, theo một tính toán khoa học. Tuy nhiên, cần hiểu rằng các nhóm này không phải là bất biến, mà “động” luôn có thể thay đổi. Địa phương đang ở nhóm nguy cơ thấp có thể thành nguy cơ trung bình, thậm chí là nguy cơ cao. Nguy cơ thấp là vì thời điểm này địa phương đó ít có yếu tố dịch bệnh xâm nhập, không phức tạp như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhưng chỉ cần phát hiện một ca bệnh phức tạp thì nguy cơ này có thể thay đổi. Bất kỳ chỗ nào lơ là, chủ quan, dịch bệnh đều có thể xuất hiện. 

Thông báo được đăng tải trên trang Facebook "Giáo xứ Đan Sa" ngày 15/4/2020

Với việc thông báo cho giáo dân đi lễ lại một cách bình thường, giáo xứ Đan Sa không những hiểu sai về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, mà còn vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, vi phạm cả giáo luật khi thực hiện trái với Thông báo số 03 ngày 27/3/2020 của Tòa Giám mục giáo phận Hà Tĩnh về các lưu ý trong phụng vụ để phòng tránh dịch bệnh Covid-19, trong đó yêu cầu “cử hành thánh lễ với một số rất ít người tham gia…”, áp dụng trên toàn giáo phận từ ngày 28/3/2020 cho đến khi có thông báo mới. Một giáo xứ với hơn 4000 giáo dân nếu xảy ra dịch bệnh thì sẽ nguy hiểm như thế nào. Thiết nghĩ, linh mục, giáo dân tại giáo xứ Đan Sa nên nghiêm túc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh, không nên vội vàng, chủ quan, cầm đèn chạy trước ô tô như vậy.

@Trần Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỔI BẬT

Những ngôn sứ không biết "đá lưỡi"!

Trong Công giáo, các linh mục được xem là người phát ngôn, truyền đạt thông điệp của Thiên Chúa cho mọi người, hay còn gọi là "ngôn sứ...