Thứ Tư, 14 tháng 11, 2018

Đừng để mạng xã hội ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ!

Theo một khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo với 2.000 học sinh, sinh viên tại 4 tỉnh, thành Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hải Phòng thì có trên 92% sinh viên và trên 84% học sinh cấp THCS và THPT thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Về thời điểm truy cập, có tới 45% cho biết sử dụng mạng bất kỳ lúc nào và có thiết bị truy cập trong tay.


Internet, mạng xã hội có nhiều mặt tích cực đối với học sinh trong việc tìm hiểu kiến thức; liên kết, chia sẻ, giải trí sau những giờ học tập căng thẳng. Nếu thầy cô giáo sử dụng kênh này để tăng cường giao lưu, trao đổi với học sinh để thầy trò thân thiện với nhau hơn thì rất hiệu quả. Qua kênh giao tiếp này, nếu nhận thấy những nhận xét, thậm chí phê phán của học sinh có cơ sở thì giáo viên nên tiếp thu để khắc phục, nếu học sinh hiểu sai thì cũng dễ nói lại, giải thích để các em hiểu đúng…

Nhưng, học sinh sử dụng mạng xã hội cũng đặt ra rất nhiều hệ lụy. Trước hết là có những ảnh hưởng lớn đến tâm lý, mất thời gian, mất tập trung trong học tập. Một số học sinh do sử dụng quá nhiều nên ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tình cảm, hình thành lối sống ảo. Có những trường hợp vì thiếu văn hóa ứng xử trên mạng xã hội dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, bạo lực học đường...


Đó là bài toán đặt ra cho mỗi gia đình khi quyết định trao cho con chiếc điện thoại thông minh, có thể kết nối internet với đủ thông tin, hình ảnh thượng vàng hạ cám đầy hấp dẫn đối với thanh thiếu niên. Nếu trao cho các em một công cụ có thể vào mạng dễ dàng mà không có kỷ luật, không kiểm soát thì lợi bất cập hại là điều có thể thấy trước.

Về phía nhà trường cũng cần thích nghi với sự phát triển của công nghệ để không quá khắt khe nhưng không để các em sa đà vào mạng xã hội. Nhà trường có thể khuyến khích học sinh sử dụng Facebook như một kênh thông tin, giao tiếp lành mạnh, nhưng đi kèm với một số quy định mang tính nhắc nhở, răn đe thì dễ thuyết phục học sinh hơn là cấm đoán.

Câu chuyện trường THPT Nguyễn Trãi, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa áp hình thức kỷ luật 8 học sinh (3 em bị đình chỉ học 1 năm, 4 em bị đình chỉ học 1 tuần và 1 em bị cảnh cáo trước toàn trường), vì sử dụng facebook (mạng xã hội) và lập "nhóm kín" có tên "Động Cô Bích" để nói xấu, xúc phạm danh dự một số giáo viên trong trường, có giá trị như một sự nhắc nhở, cảnh báo đối với nhà trường, với các gia đình, với mỗi học sinh và cả xã hội cần sớm có những giải pháp kịp thời để mạng xã hội không làm ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.

@Đăng Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỔI BẬT

Những ngôn sứ không biết "đá lưỡi"!

Trong Công giáo, các linh mục được xem là người phát ngôn, truyền đạt thông điệp của Thiên Chúa cho mọi người, hay còn gọi là "ngôn sứ...