Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

Cho tù nhân "thụ án tại gia" - xu thế tất yếu!

Cuộc tranh luận về việc nên hay không nên áp dụng hình thức "tù tại gia" theo đề xuất của đại biểu Quốc hội Hồ Đức Phớc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Trà Đá Blog có bài viết "Bóc mẽ "Hội Anh em dân chủ" qua vụ xuyên tạc đề xuất áp dụng hình thức "tù tại gia"".

Tội phạm cần phải bị tách ly khỏi xã hội nhưng có cần tách ly khỏi gia đình?
Để bạn đọc có cái nhìn khách quan, đầy đủ hơn về vấn đề này, Trà Đá Blog xin đăng lại nội dung bài viết có tiêu đề "Việt Nam cần học Anh cho tù nhân "thụ án tại gia"?" được đăng tải trên trang thông tin điện tử Thông tấn xã quốc gia của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ngày 15/11/2018.

Nhà báo Nguyễn Giang của BBC chia sẻ quan sát về kinh nghiệm áp dụng luật thụ án tại gia từ 1999 của Anh Quốc:

Quy chế cho tù nhận hưởng 'giới nghiêm tại nhà' 'Home Detention Curfew' (HDC) khiến số tù nhân trong trại giảm hẳn, tiết kiệm không ít tiền cho ngân sách.

Cùng lúc, các vấn đề hơn thiệt, gồm cả triết lý giáo dục, trừng phạt của chế độ tù tại gia cũng được báo chí Anh nêu ra từ nhiều năm qua.

'Tội ác và trừng phạt'

Đai hay còng điện tử phát tín hiệu khi tù nhân 'tại gia' vi phạm lệnh giới nghiêm

Đầu tiên là triết lý của hệ thống chấp pháp: nó nhằm trừng phạt hay giáo dục để ngăn ngừa tội ác có cơ hội tái phạm.

Thời trung cổ, trừng phạt là dùng bạo lực đáp trả bạo lực, và gây thương tích, tra tấn, nhốt buồng tối, hành hạ tù nhân là chuyện "bình thường".

Nhưng sang thời văn minh, tước tự do là cách bị trừng phạt con người đáng sợ nhất.

Vì xét cho cùng, cuộc sống của chúng ta diễn ra trong hai chiều, không gian và thời gian.

Nhốt ai đó là hạn chế cả hai: không gian bị thu hẹp vào một xà lim, và thời gian của một cá nhân tham gia xã hội bị cắt ngắn.

Chế độ giam tại gia đã có từ lâu ở châu Âu, kể cả trong Giáo hội Công giáo La Mã.

Nhà thiên văn học Ý, Galileo bị toà án của Giáo hội xử năm 1633 vì nói Trái Đất quay quanh Mặt Trời, và bị giam tại gia đến khi ông qua đời năm 1642.

Ngày nay, việc nhốt một ai đó vào nhà riêng của họ vì lý do tôn giáo, chính trị vẫn xảy ra ở nhiều nước.

So với việc bỏ tù hoặc cấm ra khỏi nhà 24/7 thì 'Home Detention Curfew' hay 'giam qua đêm tại gia' dù sao cũng nhân đạo hơn.

Nhà nước chấp nhận tù nhân có quyền sống tương đối bình thường mà chỉ bị hạn chế nhất định về thời gian: phải ở nhà qua đêm; và không được ra khỏi nơi cư trú.

Sự kiểm soát về không gian và thời gian vẫn còn nhưng nới lỏng hơn tù giam trong ngục.

Ở Anh, HDC là cách buộc phạm nhân đeo còng hay điện tử (electronic tag) vào chân (xem hình).

Trong ngày họ được đi lại trong một khu vực địa lý cụ thể, tối phải về nhà thường từ 19:00 đến 07:00 sáng hôm sau.

Chi phí cho một chỗ trong tù tại Anh tính đến 2017 là khoảng 45 nghìn bảng, hay 58 nghìn USD/năm

Thậm chí tù nhân vẫn có thể đi làm nếu kiếm được việc bên ngoài, còn không thì để gia đình nuôi.

Nếu vi phạm giờ "giới nghiêm", tín hiệu từ vòng điện tử sẽ báo cho trung tâm theo dõi gần nhất và cảnh sát sẽ đến ngay để truy xét.

Về mặt kỹ thuật người ta có thể khoanh vùng di chuyển của đối tượng thi hành án dễ dàng.

Để tránh tái vi phạm, người đeo chiếc vòng đó cũng bị cấm không tới gần một số địa điểm cụ thể.

Ví dụ như kẻ đánh người gây thương tích sẽ bị cấm không lại gần địa chỉ nhà của nạn nhân trong vòng 40 yards.

Tự ý cậy, phá, cắt vòng điện tử cũng sẽ gửi tín hiệu báo động tương tự.

Một hai lần vi phạm HDC sẽ khiến phạm nhân bị mất quyền 'tù tại gia' và bị trả về nhà tù.

Ý kiến phản đối và lý do kinh tế

Việc giám sát tù nhân 'tại gia' hưởng chế độ HDC tại Anh có thể thực hiện dễ dàng qua laptop
Khi chế độ HDC lần đầu được thực hiện, báo chí Anh nhắc đến triết gia Jeremy Bentham (1748 -1832), và căn nhà 'Panopticon' của ông.

Đây là một nhà tù 'lý tưởng', bằng kính trong vắt, người bị giam bên trong cứ ngỡ họ có tự do nhưng thực tế là bị kiểm soát 24/7.

Bằng biểu tượng này, Bentham cảnh báo rằng công nghệ và sự giám sát ngày đêm của chính quyền có thể biến công dân thành các tù nhân vĩnh viễn.

Nhân đó, các báo Anh nói đai điện tử sẽ dần dà biến cả xã hội thành một nhà tù ảo (virtual prison).

Ranh giới đạo đức giữa người tự do và tù nhân vẫn được sinh hoạt gần như bình thường sẽ bị xóa nhòa và ý nghĩa giáo dục của bản án không còn.

Tuy thế người ta cũng nêu ra không ít trường hợp tù nhân đeo đai điện tử đã gây án khi ở ngoài nhà tù.

Một trại giam ở Việt Nam hiện nay

Tuy th́ế, giống như lập luận của ông Hồ Đức Phớc ở Việt Nam hiện nay, nhu cầu cắt giảm chi phí nhà tù khiến chính phủ Anh thúc đẩy HDC ngày càng phổ biến.

Theo BBC News (4/2018), số phạm nhân đeo đai điện tử ở Anh ngày càng tăng, còn số tù nhân trong tù giảm đi đánh kể.

Trong vòng bảy tháng tính đến ngày có bài báo đó, số tù nhân được thả về nhà trước hạn nhưng phải đeo còng điện tử tăng thêm 1000, và đạt con số 3028.

Bộ Tư pháp Anh nói vào thời điểm đó, cả hai xứ Anh (England) và Wales có 83 nghìn tù nhân, giảm đi hai nghìn trong bốn tháng, nhờ chế độ 'giam tại gia'.

Lợi ích về kinh tế cho ngân sách là rất rõ.

Vì cũng theo số liệu của Bộ Tư pháp, một chỗ trong trại giam tại Anh (2016-17) là 45 nghìn bảng, bằng 58 nghìn USD hay 1,3 tỷ VND, một năm.

Chừng 3000 tù nhân chuyển từ trại giam về nhà để thụ án giúp tiết kiệm tiền triệu cho nhà nước.

Mà đấy là tù dạng xoàng, còn một chỗ nhốt tù nhân đặc biệt nguy hiểm như ở trại Whitemoor, Cambridgeshire, thì tốn cho ngân sách 218 nghìn bảng/năm, nhiều hơn tiền trả lương năm cho thủ tướng (149 nghìn).

Tất nhiên, loại tù gây án nghiêm trọng (khủng bố, giết người, hiếp dâm...) được xếp hạng A và B trong nhóm 'high security' thì không bao giờ được hưởng HDC.

Còn tù hạng C (án nhẹ, vi phạm lần đầu) dễ được xét cho về hưởng án tại nhà hơn.

Phái ủng hộ 'tù tại gia' cũng cho rằng để một người chỉ mới phạm tội nhẹ lần đầu sớm quay lại xã hội, làm việc, sinh hoạt 'gần như bình thường', sẽ giúp họ tránh các bệnh trầm cảm, tâm thần dễ gặp trong nhà tù.

Vì trại giam cũng là "trường học vĩ đại' cho tù nhân tổ chức thành băng đảng, huấn luyện nhau trong các ngón nghề để ra tù thì 'lên đẳng cấp' trong thế giới tội ác.

Giảm số tù nhân bị giam cũng là giảm đi các tệ nạn trong tù như bạo hành, bạo lực, và tham nhũng.

Ai cũng có cơ hội phục thiện

Tóm lại, việc xử án, bỏ tù tùy thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế, xã hội và triết lý trừng phạt và giáo dục phạm nhân của một quốc gia.

Việt Nam hiện có vấn đề điều kiện sinh hoạt kinh khủng của một số nhà tù, mà theo báo chí nói, để tù nhân nằm trên nền xi-măng lạnh giá.

Mùa hè, nhiệt độ lên tới trên 40 độ trong phòng giam.

Số tù bị giam giữ giảm đi thì cơ hội để cải thiện điều kiện giam giữ cũng tăng lên, nếu chỉ nhìn vào mặt kinh tế thuần tuý.

Nhưng một phần dư luận vốn ít niềm tin vào hệ thống tòa án và chấp pháp đang sợ rằng cơ chế mới dễ tạo lỗ hổng để quan chức chịu án tham nhũng 'hưởng lạc' tại nhà mà không phải 'chịu khổ' trong tù.

Đây là vấn đề cần được giải quyết thỏa đáng nếu việc Việt Nam áp dụng 'giới nghiêm tại gia'.

Còn chuyện quan chức cao cấp bị trừng phạt có hối cải, có phục thiện hay không lại không liên quan gì đến cách bắt họ chịu án.

Tôi xin kể lại chuyện một người tù thuộc nhóm phải đeo đai điện tử đầu tiên ở Anh.

Đó là cựu bộ trưởng của Đảng Bảo thủ, ông Jonathan Aitken từng bị phạt 18 tháng tù vì tội khai gian trước tòa năm 1999, đúng vào lúc chế độ HDC được áp dụng.

Khi ông rời khu C (tội nhẹ) của nhà tù Elmley ở Kent để về nhà, báo Anh đã xúm vào mô tả chi tiết ông phải đeo một chiếc đai điện tử ở cổ chân.

Ông Jonathan Aitken, một cựu "tù nhân tại gia" nhận áo mục sư tại Thánh đường St Paul's ở London vào tháng 6/2018

Nhưng trước đó, ông Jonathan Aitken, có tước quý tộc, cựu thành viên Viện Cơ mật của Nữ hoàng Anh, cũng đã phải ngồi tù ở trại Standford Hill trong 7 tháng.

Ra tù, ông phá sản (mất 4 triệu bảng vì thua kiện), bị vợ bỏ và sống nghèo khó trong nhiều năm.

Năm nay đã 75 tuổi, ông Aitken lại tự nguyện quay lại nhà tù.

Hồi tháng 6 vừa qua, ông đã nhận lễ làm mục sư Anh giáo để vào các trại giam làm việc thiện nguyện giúp tù nhân.

Quả thật là nhà tù đã thay đổi ông, từ một chính trị gia dối trá, tham nhũng (một trong các tội của ông là nhận tiền từ Ả Rập Saudi khi tại chức), thành mục sư.

Vì chính như lời Jonathan Aitken kể, khi ngồi tù, ông dự một lễ cầu nguyện của một tay trộm người Ireland và được cảm hóa.

Từ đây suy ra thì ta thấy cơ hội phục thiện cũng luôn rộng mở cho tất cả mọi tù nhân, ở trong tù hay ngoài xã hội, dù họ phải đeo đai điện tử ở chân.

@Kim

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỔI BẬT

Những ngôn sứ không biết "đá lưỡi"!

Trong Công giáo, các linh mục được xem là người phát ngôn, truyền đạt thông điệp của Thiên Chúa cho mọi người, hay còn gọi là "ngôn sứ...