Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

Cần nhìn nhận đầy đủ về nền giáo dục miền Nam Việt Nam trước năm 1975

Mới đây Trang thông tin điện tử Giáo phận Vinh có bài viết giới thiệu quyển sách “Những bài học thuộc lòng – Tân Quốc văn giáo khoa thư” do Nhà xuất bàn Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh xuất bản. Nội dung quyển sách là tuyển chọn những bài thơ được đăng trên nguyệt san “Tiểu Học Nguyệt San” trong thập niên 1950 đến 1960.



Mặc dù là bài viết giới thiệu sách nhưng tác giả lại lồng ghép khá nhiều nội dung ca ngợi, đề cao nền giáo dục miền Nam Việt Nam trước năm 1975 đồng thời không quên hạ thấp giá trị của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Không phủ nhận những thành tựu mà nền giáo dục miền Nam Việt Nam trước năm 1975 đạt được như thực hiện giáo dục miễn phí đối với những trường công lập góp phần đưa tỷ lệ người dân biết đọc và viết của Việt Nam Cộng hòa đến năm 1974 đạt khoảng 70% dân số; nền giáo dục vận hành trên cơ sở tự chủ cao (các viện đại học cả công lẫn tư được hoạt động khá độc lập và tự chủ trong cơ cấu bộ máy, hoạt động, tự do thiết lập chương trình giảng dạy và học tập theo cơ chế "tự trị đại học" (tương đương với "tự chủ" đại học hiện nay), ít bị lệ thuộc bởi chỉ đạo từ chính phủ); nề nếp thi cử tương đối ổn định, khá công bằng và bình đẳng cho mọi người đi học; trình độ nghiệp vụ, lương tâm, trách nhiệm, thể diện, tư cách mô phạm… của các giáo viên giữ được một cách căn bản...

Tuy nhiên, nền giáo dục được chế độ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (hay còn gọi là chế độ Ngụy quyền Sài Gòn) quảng cáo là xây dựng dựa trên 3 nguyên tắc Nhân Bản - Dân Tộc -  Khai Phóng có thực sự ưu việt, không có hạn chế, khiếm khuyết như tác giả bài viết cũng như Ban biên tập Trang thông tin điện tử Giáo phận Vinh ca ngợi hay không?

Trước hết nói về các nguyên tắc xây dựng nền giáo dục. Mặc dù mang đầy tính triết lý những thực tế từ khi thành lập đến khi chấm dứt tồn tại, chính phủ Việt Nam Cộng hòa vẫn chưa có văn bản cụ thể hóa cách hiểu 03 nguyên tắc trên là như thế nào. Vì vậy, những lý thuyết "nhân bản, dân tộc, khai phóng" tuy nghe thì lý tưởng nhưng khi áp dụng vào thực tế thì bị lúng túng, vá víu. Do không có văn bản quy định chi tiết nên ở mỗi địa phương, mỗi nhà giáo lại hiểu 03 nguyên tắc đó theo hướng khác hẳn nhau, việc đặt ra triết lý giáo dục bị xem là không có tính khả thi.

Cũng bởi thế mà dù tuyên bố đặt con người là trọng tâm của phát triển và chấp nhận sự khác biệt giữa các cá nhân hay cho rằng nền giáo dục ít bị ảnh hưởng bởi chính trị và tôn giáo nhưng trong giai đoạn 1955-1963, dưới thời Ngô Đình Diệm, nền giáo dục Việt Nam Cộng hòa bị xem là thiên vị Thiên Chúa giáo nặng nề. Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các chính sách thiên vị Thiên Chúa giáo trong nền giáo dục mới kết thúc, tuy nhiên những nội dung liên quan đến chủ nghĩa cộng sản, việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lãnh đạo chiến tranh chống Pháp và việc Việt Nam Cộng hòa hợp tác với Pháp thì vẫn bị cấm giảng dạy. Sách giáo khoa lịch sử của Việt Nam Cộng hòa không hề nhắc tới những thành tích chống Pháp của Việt Minh (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) dù đó là những sự kiện mới diễn ra ít lâu trước đó, thậm chí mô tả Việt Minh đã "giành quyền lãnh đạo, 2 lần cấu kết với Pháp phản bội dân tộc". Đồng thời cũng không viết gì về sự ra đời của Quốc gia Việt Nam (chính là tiền thân của Việt Nam Cộng Hòa) và sự cộng tác của họ với quân Pháp trong suốt giai đoạn 1949–1954 (chỉ ghi chung chung là "Pháp rước Bảo Đại về lập Chính phủ, mong lôi kéo người Quốc gia").

Thứ nữa, nền giáo dục miền Nam Việt Nam trước năm 1975 cũng mang đầy những khiếm khuyết, hạn chế, tựu trung là: (1) Thiếu một kế hoạch dài hạn và quy mô; (2) Thiếu một cơ cấu tổ chức hữu hiệu; không đủ trường ốc và một đội ngũ sư phạm được huấn luyện chu đáo; (3) Giáo dục thiếu thực dụng, đặc biệt về phương diện kinh tế; (4) Áp dụng một chương trình học sai lầm, lạc hậu.

Số lượng học sinh trong một lớp học ở bậc Tiểu học quá đông;
bàn ghế lại không phù hợp với tầm vóc của học sinh

Những khiếm khuyết, hạn chế đó đã được nhiều nhà giáo, giảng viên Việt Nam Cộng hòa đương thời chỉ rõ.
"Việt Nam Cộng hòa chết yểu, chỉ sống 20 năm (1955-1975), nên lý thuyết/dự tính/kế hoạch giáo dục cao siêu thì nhiều nhưng sự thể hiện trên thực tế lại chưa được trọn vẹn, vẫn còn bị nhiều bậc thức giả đương thời chỉ trích nặng nề. Có những kế hoạch được soạn thảo nhưng vẫn chỉ nằm trên giấy, chưa có thời gian, điều kiện thực hiện, hoặc chỉ thực hiện được một phần nhỏ. Vài kế hoạch đôi khi chỉ phản ảnh sáng kiến của một vài cá nhân hay tập thể, giai đoạn đầu vẫn còn lúng túng chưa có một chính sách giáo dục rõ rệt và nhất quán từ trên xuống, sự phát triển có lúc còn thiếu định hướng, lộn xộn và chắp vá."
- Nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh -
Chúng ta phải can đảm mà nhận chân một thực tại: đó là hiện trạng lâm nguy của nền giáo dục nước nhà… Đó là những khuyết điểm và nhược điểm của nền giáo dục của chúng ta trong hiện tại: tách xa thực tế, nặng tính chất từ chương, chịu ảnh hưởng sâu đậm của một chương trình học chính cũ kỹ của Pháp… Chúng ta chưa hề thực hiện được một cải cách sâu rộng nào trong lãnh vực giáo dục tự thời tự chủ cho đến hôm nay… ngoại trừ một vài sửa đổi nhỏ về chương trình ở các bậc học hoặc do sáng kiến cá nhân, hoặc nhằm nhượng bộ ảnh hưởng của một chế độ chính trị". Hậu quả là tình trạng bế tắc, không lối thoát, học sinh thoái bộ, mất tin tưởng, sinh viên ngỡ ngàng trước ngưỡng cửa Đại học. Nạn trí thức thất nghiệp đầy rẫy trong khi nước nhà vẫn thiếu chuyên viên ở nhiều lãnh vực”. 
- Giáo sư Nguyễn Đình Hòa, Đại diện Ủy ban Vận động Đại hội Giáo dục Toàn quốc 1964 -

Một khuyết điểm nữa của chương trình... là chương trình nặng về lý thuyết có tính cách từ chương, nhồi sọ, nặng về thi cử, cố học để đậu, đậu để kiếm cơm; xa thực tế, thiếu địa phương tính, không chú trọng tới cơ cấu địa lý, tới sắc thái địa phương, không sử dụng thiên nhiên địa phương, khoa học quan sát tại chỗ, không thực dụng, không hướng nghiệp, học sinh ít có giờ thực tập, trường kỹ thuật quá ít so với các trường phổ thông. Đã thế chương trình lại nặng và dài, một chương trình quá bao quát, nhưng chỉ trọng trí dục thôi mà nhẹ phần đức dục và thể dục."
- Ông Nguyễn Chung Tú, Giáo sư Đại học Khoa học Sài Gòn -

Đặc biệt, về đạo đức học đường và tình trạng gian lận trong giáo dục đã được bác sĩ Trần Ngọc Ninh (Giáo sư Y khoa Đại học Sài Gòn, nguyên Tổng ủy viên Văn hóa Xã hội kiêm Ủy viên Giáo dục 7.1965 đến 7.1966) vạch trần: "Trong khoảng đất của giáo dục, tình hình thực là đen tối: kỷ luật học đường gần như không còn nữa. Cả một thế hệ nghi vấn về vai trò hướng dẫn của đàn anh. Học trò quyết định, thầy giáo cúi đầu. Nghề dạy học đang xuống dốc để trở thành một nghề buôn, trong đó có cả những gian thương giáo dục như mọi nghề buôn bán khác. Đến nay lòng tin đã mất hẳn.

Nền giáo dục của chúng ta hiện nay không có tính cách dân chủ và cũng không sửa soạn dân chủ… Nói riêng về vấn đề đem dân chủ vào giáo dục và dùng giáo dục để xây dựng dân chủ, chúng ta phải thay đổi cả những quan niệm cũ về đứa trẻ, bỏ những phương pháp giáo dục dựa vào uy quyền và độc đoán trong việc đào luyện đức tính, đồng thời mở mang trí thức và luôn luôn để một cái cửa ngỏ nhìn về tương lai".

Thậm chí một dân biểu Quốc hội thời đó khi trả lời phỏng vấn của Tập san Minh Đức, Số ra mắt 1 & 2 (tháng 6 & 7/1972) cũng không tiếc lời mạt sát, phê phán: “Học đường hỗn độn đảo lộn thê thảm vô kỷ luật không còn tôn ti trật tự. Học trò thì du đãng, du côn, xấc láo. Cha mẹ chửi thầy, đánh thầy, [học sinh] bãi khóa, bãi thi, xuống đường hoan hô đả đảo sa đọa bi quan. Học sinh không còn tin tưởng gì ở thế hệ đàn anh, trái lại còn khinh bỉ nhục mạ vì tư cách nô lệ bợ đỡ người trên đàn áp kẻ dưới, bán đề thi ăn tiền, chạy chọt thi cử. Giáo dục trở thành một nghề buôn, đàn anh là các tay đầu cơ gian thương. Học sinh không tin tưởng gì nữa thì chúng ta dạy cái gì đây. Tóm lại nền giáo dục Việt Nam đã hoàn toàn thất bại và đang đi dần đến chỗ phá sản”.

Rõ ràng với những tồn tại, hạn chế nêu trên thì nền giáo dục miền Nam Việt Nam trước năm 1975 không thể là hình mẫu lý tưởng để chúng ta hướng tới nhằm cải cách, nâng cao chất lượng nền giáo dục hiện nay, nhất là trong việc chấn chỉnh đạo đức học đường, ngăn chặn, xử lý tình trạng gian lận, bệnh thành tích trong giáo dục.

@Lê Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỔI BẬT

Những ngôn sứ không biết "đá lưỡi"!

Trong Công giáo, các linh mục được xem là người phát ngôn, truyền đạt thông điệp của Thiên Chúa cho mọi người, hay còn gọi là "ngôn sứ...